Chương 3: Tri Vọng
Thích Thông Huệ
26. Thiền là gì ?
Chương 1: Thiền Là Gì?
Chương 2: Như Huyễn
Chương 3: Tri Vọng
Chương 4: Thuật Tác Động Thẳng
Chương 5: Vô Sư Trí
Chương 6: Tâm Thiền
Kết Luận
I. KHÁI NIỆM VỀ VỌNG
Các Thiền sinh đang áp dụng pháp môn Tri vọng, trước tiên cần biết rõ thế nào là vọng, thế nào là tinh thần Tri- vọng. Hiểu thật tường tận, công phu của chúng ta mới có kết quả như ý.
Vọng là hư dối, không thật có. Đối với thân, Phật dạy đó là do tứ đại hợp thành. Chất cứng như răng, tóc, móng, da, thịt, gân, xương là đất; chất lỏng như máu, mủ, mồ hôi, nước mắt, nước bọt là nước; chất nóng như hơi ấm trong người là lửa; chất động như hơi thở ra vào là gió. Các thành phần trên gọi là tứ đại bên trong (sở tạo), phải vay mượn từ tứ đại bên ngoài (năng tạo) mới có: mượn thức ăn và nước uống là đất và nước; mượn hơi ấm từ mặt trời là lửa; mượn không khí để thở là gió. Mượn vào một thời gian phải trả ra. Tựu trung, sự sống chỉ là vay và trả. Con người mạnh khỏe khi việc vay trả điều hòa thông suốt; nếu có trở ngại ở bất cứ giai đoạn nào, bệnh tật sẽ phát sinh. Ngày nay chúng ta đã biết, đơn vị cấu tạo thành thân là tế bào; nhưng tế bào cũng được tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó có những đoạn rất nhỏ của phân tử DNA nằm trong nhân, gọi là Gen. Bản đồ Gen người được công bố chi tiết vào ngày 12/2/2001 cho thấy một điều đáng ngạc nhiên: Tất cả những đặc điểm về hình dạng, bệnh tật, chức năng của toàn bộ cơ thể con người chỉ được quyết định bởi 30.000 - 40.000 gen, số gen tương đương với gen của một con ruồi giấm ! Như vậy, rõ ràng tấm thân mà lâu nay chúng ta tôn quý, nâng niu, đáo cùng chỉ là tập hợp của những yếu tố vật chất nhỏ nhoi và mong manh. Do nó không chắc thật, không có chủ thể, không nương cậy được vĩnh viễn, nên Phật gọi nó là “Vọng thân”.
Suy xét tận tường bản chất của tâm, ta càng thấy rõ vấn đề. Những tư tưởng, tình cảm, ý niệm lưu chuyển trong trí óc, lâu nay chúng ta cho đó là tâm mình. Chính vì nhận tâm ấy là thật có, là mình, nên luôn luôn cho điều mình nghĩ là đúng, ai nghĩ khác là sai. Từ đó sinh ra tranh chấp cãi vã để giành phần thắng về mình. Đây là nguyên nhân của những xung đột trong gia đình, xã hội, của những cuộc chiến tranh tôn giáo và ý thức hệ, gây biết bao đau thương tang tóc cho hàng triệu gia đình. Nhưng xét lại, những tư tưởng tình cảm ấy thoạt biến thoạt hiện không chừng, lúc đến không biết đến từ đâu, khi đi cũng chẳng hiểu đi về phương nào. Bây giờ ta nghĩ thế này, lát sau có thể đổi ý; bây giờ ta cảm thấy vui, lát sau đã có thể nổi giận rồi. Nếu cho cái nghĩ này cái vui này là mình, thì cái nghĩ kia, cái buồn nọ là ai? Mỗi ngày chúng ta trải qua biết bao nhiêu tâm trạng, nghĩ suy biết bao điều, chẳng lẽ trong mỗi chúng ta lại có nhiều người khác nhau đến vậy ? Cho đến những kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn và đời sống, dù là kiến thức bác lãm, cũng chỉ là vay mượn tom góp từ người khác, có gì là thật mình ? Đức Phật thấy rõ điều này, nên dạy tất cả đều là “Vọng tâm”.
Các pháp bên ngoài, không có vật nào tự nó thành hình, mà phải nhờ những yếu tố không phải nó kết hợp lại để thành nó. Các pháp cũng không bao giờ dừng trụ, bất biến, mà luôn luôn thay đổi, sinh sinh diệt diệt trong từng sát-na. Sự hiện hữu của chúng như vậy chỉ là biểu tướng chỉ do duyên hợp mà có, và tồn tại trong sự chuyển động, sự biến đổi vô thường. Cho nên, đó là “Vọng cảnh”.
Trong cuộc sống thường nhật, nếu thấu triệt được tính chất hư dối của thân-tâm-cảnh, chúng ta có thể phần nào an lạc và bớt xao động trước mọi chuyện buồn-vui, thăng-trầm, được-mất. Do biết thân là vọng, chúng ta không mất nhiều thời gian và công sức để cung phụng, tô điểm cho nó, hay thỏa mãn mọi đòi hỏi dù quá đáng của nó. Đời sống của chúng ta trở nên giản dị và thong dong, ngày ba bữa cốt để no bụng đói, đêm một giấc chỉ để lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc. Tất cả tài sản, quyền lợi và khả năng sẵn có chỉ là những phương tiện để chúng ta giúp mình giúp người. Khi đau ốm hay gặp tai nạn, chúng ta không buồn lo sợ hãi vì biết thân là vô thường, không có chủ thể, cũng là đối tượng nhận chịu những nghiệp báo mình đã gây ra từ trước. Đến khi hấp hối, chúng ta không hoảng hốt và đắm luyến thân, nên dù chưa được tự tại trong sinh tử, cũng có thể tái sinh về các cõi lành.
Biết tâm là vọng, chúng ta không còn chấp chặt những kiến giải, những tình cảm của mình. Ta có sự thông cảm và độ lượng đối với người khác, không bảo thủ ý kiến của mình, biết lắng nghe để hiểu và thương được mọi người. Cho đến sự đổi thay tráo trở của người thân, của bạn bè nếu có, ta cũng không xem đó là điều đả kích. Nhưng cần lưu ý ở chỗ: Chúng ta không động tâm trước sự phê bình khích bác của người khác, không bận lòng trước tình cảm thương - ghét, trọng - khinh, không có nghĩa là chúng ta phó mặc hoàn cảnh đẩy đưa, mặc người xung quanh muốn làm sao cũng được. Hiểu như thế là không thấy mặt tích cực của sự tu hành. Chúng ta luôn bình tĩnh an nhiên trước mọi biến động của các pháp, nhưng vẫn đánh giá đúng mức những việc xảy ra để sắp xếp chu đáo, giải quyết ổn thỏa. Người thật tu không ngã mạn cũng không tự ti; những khó khăn trở ngại hay thuận cảnh thuận duyên đều không làm họ rối trí hay kiêu ngạo, mà tùy nghi xử lý một cách chu toàn. Cố gắng làm tròn trách nhiệm đối với bản thân và với mọi người, nhưng họ biết tất cả đều là vọng, nên tự nhiên họ ổn cố được tâm mình.
Đối với các pháp, khi biết chỉ là vọng cảnh, chúng ta không dao động trước những biến đổi vô thường của kiếp sống. Mọi sự vật hiện tượng xảy ra đều chỉ như giấc mộng đêm qua, đủ mùi tân khổ. Do biết tất cả là mộng, chúng ta không còn đam mê những thú vui trần tục, dù hàng ngày vẫn phải đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của bản thân. Từ đó, phần nào ta bớt phiền não, cuộc đời ta bắt đầu đổi mới, từng bước tiến trên lộ trình mà Đức Phật và chư Tổ đã đi. Nếu thường xuyên quán chiếu sáu trần bên ngoài, sáu căn nơi thân và sáu thức ở tâm đều là huyễn mộng, chúng ta sẽ phá được cái chấp ngã nơi thân tâm và chấp pháp nơi cảnh, tức vào cửa nhà Thiền.
Nhưng có khi nào thiền sinh chúng ta tự hỏi: “Tu theo pháp môn Tri vọng, sao lâu nay ta chú trọng đến vọng tâm hơn vọng thân và vọng cảnh? Có pháp Tri vọng, tại sao không có pháp Tri chơn?” - Ta đã biết, chúng sinh lên xuống trong sáu đường là do nghiệp thức dẫn lôi, dù tạo nghiệp lành hay ác. Nghiệp phát sinh từ thân miệng ý, trong đó tâm ý dẫn đầu. Nếu ý khởi niệm, ta hiểu là hư dối không theo, thì miệng và thân không có cơ hội tạo nghiệp. Như vậy, không để vọng tâm dẫn lôi là tu ngay gốc. Mặt khác, do vọng tâm đưa đẩy khắp nơi, chúng ta không thể tỉnh giác để biết thân và cảnh cũng đều là vọng, nên trước tiên phải phản tỉnh, không đồng hóa mình với vọng niệm; từ đó mới có thể thấy thân mình và các pháp bên ngoài không thật có, không đáng nương theo. Biết rõ những cái hư dối, không bị chúng lừa gạt sai sử, đó đã là giác. Điều này có nghĩa, tri vọng tức là chơn, nên không cần thêm pháp “Tri chơn” nữa. Nếu có pháp ấy, “chơn” trở thành đối tượng bị biết, tức trở thành vọng mất rồi!
II. PHÁP TRI VỌNG
Tùy công phu của mỗi hành giả mà có kiến giải khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, về pháp Tri vọng. Tuy nhiên, nguyên tắc căn bản chỉ là một.
Pháp biết vọng là khi tọa thiền hoặc lúc đối duyên xúc cảnh, niệm khởi lên ta liền biết đó là vọng tưởng, không bị nó lôi dẫn. Không chạy theo vọng tưởng, vọng tự nhiên biến mất, ngay đó tâm liền an. Đây là phương tiện cho những hành giả có chí tu hành nhưng chưa thấy tánh, phải tạm dùng phương tiện này để phá chấp ngã về tâm. Đến khi vọng tưởng lặng dứt thì pháp đối trị cũng dừng, đủ nhân duyên liền hội nhập tự tánh.
Trong pháp Biết vọng có hai lối tu: Biết vọng liền buông vaø Biết vọng không theo.
A. BIẾT VỌNG LIỀN BUÔNG:1.) Công phu buông vọng
“Buông” là một hành động của ý thức, có tác ý và có đối tượng rõ ràng. Khi một niệm dấy lên, ta thầm nhủ đó là vọng và khởi thêm niệm “buông!”. Đây là công phu theo hữu vi, có phân biệt đối tượng buông là vọng và chủ thể buông là mình, tức còn năng và sở. Giai đoạn này tuy tu trong đối đãi, nhưng rất cần cho những người sơ cơ, vì dù sao, tỉnh giác biết được hành tung bất định và bản chất hư giả của vọng, không để vọng lôi cuốn, là đã tiến một bước trên đường đạo.
Trong thực tế, khi mới bắt đầu công phu, ta không thể nào xa lìa ý niệm phân ranh năng- sở, luôn luôn ta thấy có cái vọng nổi lên ở phía trước, rồi bên trong ta hiện ra một cái hay biết vọng, dường như có cái này biết được cái kia. “Cái này” là năng tri, “cái kia” là sở tri. Ta lúng túng ở cái năng sở này, cứ đem cái năng tri năng vọng buông cái sở tri sở vọng. Khi sở tri biến mất, ta thấy cần thiết phải duy trì cái năng tri như người gác cửa; mà không hiểu rằng, do có niệm “duy trì cái năng tri”, nên năng tri ấy đã biến thành sở tri mất rồi! Năng đã biến thành sở, nên hết lớp vọng này lại nổi lên lớp vọng khác. Đây là lối bắn cung của Thạch Củng, một mũi bắn một con, nên sau buổi tọa thiền, ta cảm thấy có phần nặng nề mệt mỏi.
Công phu một thời gian, có tiến bộ, tọa thiền ta thấy yên ổn. Ta rất thích trạng thái yên ổn này nên đâm ra sợ vọng, tự nhiên có một cái gì luôn hờm sẵn, cứ lom lom nhìn vào khoảng trống vắng đó. Thật ra, trạng thái trống vắng cũng chỉ là sở tri, dù vi tế hơn. Hành giả cần cảnh giác, vì dễ lầm nhận đó là bản tâm thanh tịnh của mình.
Như vậy, khởi đầu của công phu là còn suy nghĩ lăng xăng, tức vọng còn nhiều, khá hơn thì vọng thưa bớt, sau đó là hết vọng. Cả ba giai đoạn vọng nhiều, vọng thưa và hết vọng đều là sở tri. Do còn sở tri nên cái năng tri phải chực chờ mãi, không dám lơi lỏng. Ví như có căn nhà sáu cửa (thân sáu căn), một tên trộm từ một cửa lẻn vào nhà (một căn tiếp xúc với trần phát sinh thức, tức khởi niệm). Vì nhà có người gác nên phát hiện ra, tên trộm liền trốn mất. Nhưng tên này rất ranh ma, lát sau nó lại từ cửa khác đột nhập vào. Người gác cứ phải canh chừng suốt ngày đêm, chờ có trộm vào liền điểm mặt. Canh cửa như thế chỉ được vài ngày thì kiệt sức, lăn ra ngủ. Tên trộm tha hồ vào nhà, tha hồ ở bao lâu tùy thích. Đây là lúc hành giả dụng công theo hữu vi một thời gian vẫn thấy vọng hoài, đâm ra nghi ngờ pháp tu này. Cho nên, trong công phu mà gia tâm trên bất cứ trạng thái nào cũng đều không đúng, dù gia tâm để buông vọng hay để biết mình đang hết vọng. Vọng tự sanh tự diệt, chỉ là hư ảo, là rỗng không, nên không cần bạo động tác ý lên nó. Buông vọng một cách triệt để, buông luôn cả ý niệm phân ranh người buông và đối tượng buông, buông trong trạng thái vô vi, thì mới có cơ hội để trực giác phát sinh. Chúng ta sẽ đi sâu vào điểm này trong phần kế tiếp.
2.) Năm giai đoạn buông vọng
Nói về lý thì giác ngộ không qua thứ lớp, giác ngộ là Phật, mê là chúng sanh. Tuy nhiên, nói về sự thì trong công phu phải trải qua nhiều trình tự. Ở đây, chúng tôi tạm phân chia 5 giai đoạn từ thấp lên cao. Sự phân chia này chỉ có tính cách tương đối, và chỉ có vai trò của những cột mốc tạm dựng trên đường:
a/ Giai đoạn 1: Người mới tu, nhờ đọc kinh sách và nghe giảng mà hiểu được mọi tư tưởng tình cảm đều là vọng tưởng hư dối. Lúc tọa thiền thấy vọng khởi, người ấy nghĩ “buông!”. Có khi không tỉnh giác kịp, bị vọng dẫn lôi một lúc mới quay về. Cũng có khi vọng lẫy lừng, buông không hết, phải quở mắng: “ Mày đã dẫn ta đi luân hồi nhiều kiếp, giờ lại muốn lôi ta đi nữa sao?”. Đây là giai đoạn chăn trâu, trâu còn tánh hoang dã nên cần kết hợp dây vàm là giới luật. Vọng là sở tri, người buông vọng là năng tri; năng sở phân biệt rõ ràng.
b/ Giai đoạn 2: Hành giả hiểu được sở là vọng, năng cũng là vọng. Đem vọng buông vọng thì đến bao giờ mới xong ? Do vậy, khi vọng khởi, họ biết và buông; khi hết vọng, họ buông luôn cái biết vọng ấy.
c/ Giai đoạn 3: Cả năng vọng và sở vọng đều được xa lìa, nhưng còn một cái lom lom nhìn chừng và thấy mình đang xa lìa. Cái lom lom ấy cũng là vọng, dù vi tế, nên phải buông luôn.
d) Giai đoạn 4: Hành giả đang trong trạng thái vắng lặng thanh tịnh, nhưng lại còn một niệm biết mình thanh tịnh. Đây là lớp vọng rất vi tế, giai đoạn mà Duy thức học gọi là “thường chuyển như bộc lưu”. Một dòng thác, ở xa tưởng như dải nước đồng nhất, nhưng thật sự là tập hợp chuyển động của vô số giọt nước li ti. Lớp vọng vi tế này như chuyển động của những giọt nước li ti ấy, mà nếu không tinh tế nhận ra, hành giả tưởng mình đã thể nhập tự tánh. Do vậy, cần hết sức thận trọng.
e) Giai đoạn 5: Hành giả thấy nghe hiểu biết các pháp rõ ràng mà không khởi một niệm nào. Đây là giai đoạn rõ ràng thường biết mà bặt hết các duyên, là tự biết trong trạng thái vô vi, là tri kiến vô kiến. Đây chính là thấy biết của tự tánh, bặt hết là tự tánh định tức giải thoát, rõ ràng thường biết là tự tánh huệ tức giác ngộ. Đây cũng là cảnh giới của Thiền sư Duy Tín “ba mươi năm sau thấy núi sông vẫn là núi sông”, của Thiền sư Thiền Lão “trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Các Ngài ở trong cảnh động mà vẫn bất động, biết rõ tất cả các pháp một cách như thị mà không xâm phạm các pháp, không nói tu mà chẳng phải không tu, làm tất cả vì chúng sinh mà cũng như không làm.
B. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO“Không theo” cũng là một hành động của ý thức, nhưng không có tác ý và không cụ thể. Khi một niệm khởi lên, ta biết đó là vọng tưởng, không dính mắc trên nó, vọng tự nhiên lặng. Có thể nói, không theo vọng nghĩa là không có chủ ý tác ý trên vọng, cũng không dính mắc để bị vọng lôi kéo, chỉ đơn thuần BIẾT đó là vọng, thế là vọng tự mất. Chỉ cần rõ vọng, không cần làm gì khác, ngay đó đã là giác.
Trong kinh Niệm Xứ, Phật dạy chánh niệm trên mười sáu loại tâm hành sinh diệt, tựu trung cũng chỉ một chữ BIẾT: Tâm tham biết có tham, không tham biết không tham, sân si... cũng như vậy. Phật không dạy phải diệt tâm tham hay giữ tâm không tham, mà chỉ cần BIẾT. Mười sáu loại tâm hành chính là vọng tưởng ở đây muốn nói.
Pháp Biết vọng không theo là một lối tu nhẹ nhàng, nhưng cần có kiên nhẫn và ý chí. Bởi vì trong giai đoạn đầu, do chúng ta quen để tâm dong ruổi lăng xăng như vượn chuyền cành, nên không theo vọng này thì lại có vọng khác tiếp tục nổi lên. Cứ bền chí nhận diện chúng, một thời gian chúng sẽ thưa dần. Biết rõ vọng là hư dối tức từng bước chúng ta phá chấp ngã về tâm; nếu ngoài giờ tọa thiền, chúng ta quán chiếu về sự giả hợp của thân và cảnh, đó là chúng ta đang đi trên đường giác ngộ vô ngã. Khi đủ thời tiết nhân duyên, chúng ta sẽ có cơ hội nhận ra bản tâm thanh tịnh thường nhiên của chính mình. Có thể nói, pháp Biết vọng phù hợp với kinh điển, càng xem kinh càng rõ thêm pháp tu, càng tu lại càng sáng được ý kinh. Đây là lý do vì sao chúng ta cần thực hiện phương châm “Thiền-Giáo song hành”.
Đối với những hành giả có duyên nhiều đời với Thiền tông, khi tọa thiền biết vọng, họ còn nhận ra điều này: Khi có vọng và khi không vọng ta đều biết, biết nhưng không có tác ý trên vọng. Không có tác ý nên không còn đối đãi, không còn phân biệt người biết (là mình) và đối tượng biết (là trạng thái có vọng hay không vọng). Không còn phân ranh năng và sở, chủ thể và đối tượng, thì ngay tức khắc ở trong trạng thái nhất như. Vì sao được như thế? - Bởi vì vọng tưởng là huyễn nhưng luôn ở trong như, vọng và chơn chỉ là hai mặt của một thực thể và bình đẳng trong Như tánh; cũng như sóng rõ ràng là nước, muốn tìm nước phải ngay sóng mà tìm. Đây là ý nghĩa mà Phật dạy trong pháp Quán tâm trên tâm: Bao nhiêu vọng niệm sinh rồi diệt đều nằm trong vùng ánh sáng của chánh niệm, không thoát khỏi chánh niệm dù ta không tác ý. Đây cũng là mũi tên của Mã Tổ, một mũi bắn một bầy. Công phu như thế này, người tu rất thảnh thơi, ít tốn công sức mà kết quả lại tốt đẹp; vì tu trong tinh thần vô vi, do nhân vô sanh nên được quả Phật thường trụ. Dĩ nhiên, cần giản trạch với lối dung vọng của phàm phu. Dung vọng là mặc tình để vọng khởi lên và lôi dẫn ta quay cuồng theo các cảnh, đó là thất niệm, là gốc tạo nghiệp khiến quẩn quanh trong lục đạo. Còn biết vọng mà không tác ý là tỉnh giác thường xuyên để nhận diện mọi hành tung của vọng, là chánh niệm trên từng đợt sinh diệt của tâm, là lối tu chân chính đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Chúng ta có thể dùng bốn câu kệ sau đây của Thiền sư Huyền Giác, để áp dụng vào công phu Biết vọng không theo:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải
Tỉnh tỉnh tán loạn sai
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải
Lặng lặng hôn trầm sai.
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải: Một niệm dấy lên, ta tỉnh giác biết rõ. Biết nhưng không tác ý, không khởi thêm niệm “buông” hay “không theo”, nên là lặng. Tỉnh tỉnh là huệ, lặng lặng là định, tức định - huệ đồng thời, thể - dụng không hai.
Tỉnh tỉnh tán loạn sai: Tỉnh là biết có vọng khởi, nhưng lại thêm niệm “không theo” nên có tác ý, là tán loạn, tức sai với ý chỉ.
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải: Tâm yên tĩnh lặng lẽ nhưng vẫn rõ ràng biết khi có vọng hay không vọng. Biết tất cả mà không có một niệm, kể cả niệm “ta đang yên tĩnh”.
Lặng lặng hôn trầm sai: Hôn trầm ở đây chỉ chung ba trạng huống mờ mịt của tâm thức, từ nhẹ đến nặng gồm Vô ký (lơ mơ), Hôn trầm (không biết gì chung quanh) và Thùy miên (ngủ gục). Nhà Thiền gọi là “hang động của quỷ”.
Nói chung, tọa thiền đúng pháp là tỉnh và lặng phải đi đôi, định- huệ đồng đẳng, tỉnh giác biết rõ vọng khởi mà không tác ý gì trên vọng. Có thể nói, tọa thiền là chỉ ngồi tỉnh biết, không phải ngồi dụng công nhưng cũng không phải chẳng dụng công; vì dụng công là hữu vi tác ý, mà chẳng dụng công là dung túng vọng tưởng. Chúng ta không thể dùng ngôn ngữ diễn tả cách hành trì như thế nào, chỉ tạm nói là “Biết tất cả mà không khởi niệm”. Hành giả nên khéo hội lấy.
Để làm sáng tỏ thêm lối tu vốn dĩ vi mật này, xin trích dẫn bài kệ của một Thiền sư đời Tống:
Học đạo du như thủ cấm thành
Trú phòng lục tặc dạ tinh tinh
Trung quân chúa tướng năng hành lệnh
Bất động can qua trị thái bình.
Nghĩa:
Học đạo giống như giữ cấm thành
Ngày ngừa lục tặc, tối tinh tinh
Trong Quân chúa tướng hay hành lệnh
Chẳng động gươm đao trị thái bình.
Người học đạo giống như người giữ một thành cấm có sáu cửa, không cho giặc vào làm loạn, ngày đêm đều tỉnh giác, tinh ròng không xen tạp. Trong đội quân có viên chúa tướng chỉ huy canh gác bố phòng nghiêm mật, nhưng đặc biệt là chẳng động gươm đao mà thiên hạ tự thái bình. Cấm thành sáu cửa dụ cho thân người có sáu căn, nếu không ròng rã ngày đêm canh giữ, thì sáu trần như sáu loại giặc sẽ thừa cơ hội đột nhập. Viên chúa tướng là trí dụng hằng soi của mỗi người, luôn tỉnh luôn sáng. Nhưng vì sao không cần đến gươm đao mà vẫn yên ổn?- Không động gươm đao nghĩa là vô vi, là hành động vô hành. Mọi vọng tưởng phát sinh do sáu căn tiếp xúc sáu trần, như lũ giặc tìm cơ hội quấy phá. Người tu chỉ cần luôn tỉnh giác biết rõ lúc nào vọng sinh, lúc nào vọng diệt. Chỉ cần biết là vọng tự lặng mà không cần khởi thêm niệm nào, nên nói không sử dụng vũ khí mà giặc tự lui binh.
Trên đây là một vài vấn đề đóng góp trong công phu từ kinh nghiệm bản thân. Mong rằng tất cả chúng ta, khi thực hành pháp Biết vọng, cần nắm vững yếu lý để công phu được nhẹ nhàng. Chính trong công phu nhẹ nhàng mà có kết quả ấy, chúng ta mới đến gần chỗ vốn dĩ bình yên xưa nay. Chỗ đó không phải ở nơi đâu xa vời khiến chúng ta phải nhọc lòng tìm cầu, đuổi bắt; nó ở ngay tại đây và bây giờ, nếu tâm ta lặng lẽ mà hằng tri. Đây là điều thật đơn giản nhưng cũng thật diệu kỳ, mà mỗi thiền giả phải tự mình thể nghiệm.
III. TÁNH BIẾT VỌNGPhần trên, chúng ta đã khảo sát về pháp Biết vọng. Gọi là “pháp” vì vẫn còn có phương pháp hành trì, vẫn còn thứ lớp và diễn tiến từ từ. Ở đó vẫn còn có cái vọng bị biết và cái tâm hay biết, nghĩa là còn phân ranh năng sở chủ khách trong công phu. Pháp Biết vọng được xem là giai đoạn đầu của pháp môn Tri vọng.
Những thiền sinh tu tập nhiều năm, hoặc có căn cơ nhạy bén, nên khéo đi vào tinh thần Bất nhị. Khi chim hót, ta nghe có tiếng chim; khi chim không hót nữa, ta nghe không có tiếng chim. Rõ ràng cái nghe không bao giờ vắng mặt, dù có tiếng hay không có tiếng. Có vọng hay không vọng cũng thế, chỉ là hai tình huống đắp đổi thay phiên nhau, còn cái biết luôn luôn hiện hữu. Trong ánh sáng chánh niệm, các trạng huống luân phiên ấy không hai không khác. Và cái quán triệt tất cả mọi hoàn cảnh tình huống ấy, cái ánh sáng chánh niệm hằng tỉnh hằng giác ấy, không bao giờ thiếu vắng, dù đang ở thời điểm nào, nơi chốn nào. Đây là Tánh biết vọng.
Chúng ta cùng xem qua một số ví dụ sau đây, minh họa cho phần này:
1/ Ví dụ 1
Kinh Lăng- Nghiêm có đoạn mô tả cảnh Đức Phật bảo La-Hầu-La đánh một tiếng chuông, nhân đó Ngài giảng cho đại chúng về tánh nghe. Tiếng chuông lúc có lúc không, nhưng tánh nghe luôn luôn có mặt. Cũng vậy, các tâm niệm lăng xăng khi khởi khi diệt, nhưng có một cái gì luôn quán xuyến chúng. Trong kinh Niệm-Xứ, Phật dạy tuệ tri 16 loại tâm hành, cũng trong ý nghĩa này. Cái quán xuyến tuệ tri được tất cả tâm sinh diệt, đó là Tánh biết vọng.
2/ Ví dụ 2
Một đoạn khác trong kinh Lăng-Nghiêm, lúc Đức Phật đưa cánh tay lên, tôn giả A-Nan thấy có tay. Nhưng khi Phật bỏ tay xuống, Tôn giả thưa rằng không thấy. Thật ra, lúc ấy Tôn giả thấy không có tay chứ không thể nói không thấy. Nếu cái thấy không còn, làm sao Tôn giả biết không có tay ? Cho nên, giống trường hợp tánh nghe ở trên, có vật hay không vật là chuyện bên ngoài, còn thấy nghe là chuyện của mình, không lúc nào vắng thiếu. Tánh biết vọng cũng như thế.
3/ Ví dụ 3
Người bị nhặm mắt thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không. Vì sao có hoa đốm?- Vì mắt bệnh. Hoa đốm sanh ra đối với người bệnh mắt, còn không sanh với người có mắt bình thường. Như thế, hoa đốm không thật sanh; do không thật sanh nên cũng không thật diệt.
Hoa đốm thật ra không có sanh và diệt, bởi vì nó không thật có. Vọng cũng như vậy. Ý thức dấy khởi khi căn trần giao thoa. Căn và trần đều do duyên sinh không thật, nên thức khởi cũng chỉ là vọng tưởng. Chúng ta tọa thiền, những hình ảnh lưu trong tàng thức được dịp trổi dậy với đủ mọi hình thái. Nếu cho đó là thật, bị nó dẫn dắt là phàm phu; nếu đè ép diệt trừ nó là tu chưa đúng pháp. Tọa thiền chỉ cần luôn luôn tỉnh giác, bao nhiêu vọng tưởng sinh diệt đều biết rõ, thế là đủ. Lục Tổ dạy: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Giác chậm nghĩa là không kịp thời phản tỉnh ngay khi vọng vừa sinh, không theo dõi suốt quá trình sinh khởi, tồn tại và đoạn diệt của vọng, cũng như không thấu suốt tính hư ảo huyễn mộng của chúng. Nhận chân được tiến trình của vọng cũng như thấu triệt bản chất hư huyễn ấy, chính là Tánh biết vọng.
4/ Ví dụ 4
Một đóa hoa được đưa ra trước mắt. Đóa hoa là một vật có hình tướng rõ ràng. Vật có hình tướng nằm trong hư không chẳng hình chẳng tướng, vật ấy cách hư không bao xa? Mặt khác, đóa hoa được tạo nên từ nhiều yếu tố nên nó không đồng nhất, không có chủ tể, vì thế tánh nó là Không. Tự tánh không nhưng hình tướng giả có: Chúng ta đi vào tinh thần “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ngôn ngữ Bất nhị của Phật môn.
Hiểu tường tận hai vấn đề trên, ta trực nhận ra rằng: Hoa là vật thể hư vọng đổi dời nhưng không rời khỏi hư không chẳng hề dời đổi; hoa là hiện tượng sinh diệt trong bản thể hư không bất diệt. Lúc đủ duyên, hoa thành hiện tượng; khi hết duyên, nó trở về bản thể hư không. Rõ ràng, hiện tượng và bản thể không hai không khác. Tương tự, vọng tức là chơn, chơn tức là vọng. Nếu cho vọng là cái phải trừ diệt, chơn là cái cần thủ đắc, ta đã rơi vào trạng thái thủ xả nhị biên.
Kinh Duy-Ma nói: “Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”. Bồ Tát không dẹp trừ hết hữu vi và cũng không an trụ vào vô vi, không thấy Ta-bà đáng chán bỏ và Tịnh-Độ đáng ưa thích, không diệt tận phiền não cũng không thủ chứng Bồ-Đề. “Bồ-Tát thương chúng sanh, không nỡ dẹp trừ hết vọng tưởng”, vì như vậy sẽ không còn trở lại cõi Ta-Bà làm lợi lạc quần sinh. Đối với các Ngài, phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn. Đây là tinh thần Bất nhị độc đáo của Phật giáo Đại thừa và Tối thượng thừa Thiền, cũng là tinh thần của Tánh biết vọng.
5/ Ví dụ 5
Trên biển có muôn ngàn đợt sóng. Sóng là hiện tượng có sinh có diệt, còn bản thể nước thì chưa từng sinh diệt bao giờ. Lại nữa, sóng dù sinh hay diệt cũng không ra khỏi nước, cho nên sóng và nước không hai.
Phiền não là những đợt sóng. Muôn ngàn đợt sóng phiền não dù biến dù hiện cũng không khi nào rời khỏi biển chân-như. Tại sao ta thấy sóng phiền não là đáng sợ mà biển chân như là miền đất hứa? Bỏ phiền não rồi, liệu ta tìm được chân-như chăng?
Thân năm uẩn khi còn khi mất cũng là đợt sóng lúc sinh lúc diệt. Sóng năm uẩn là hình tướng, biển tự tánh là bản thể, sóng và biển không hai. Tại sao ta không ngay nơi sóng mà khéo thầm nhận biển, ngay vọng tưởng biến thiên mà nhận ra tánh biết thường hằng?
Một điều khác, thân ta là sóng thì thân người khác có phải là sóng không ? Rõ ràng tất cả chúng sanh đều là những đợt sóng, dù hình thái khác nhau nhưng cùng có bản chất là nước. Thấu triệt điều này, ta cảm nhận một sự hòa điệu tột cùng với tất cả mọi loài chúng sanh, nỗi khổ niềm vui của kẻ khác cũng chính là khổ vui của chính mình. Tự nhiên ta sẽ có ý nguyện dâng hiến trọn vẹn cho tha nhân, xa lìa ngã tướng; và tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” mới được thực hiện với đầy đủ ý nghĩa cao quí của nó.
Lại nữa, chúng sanh là những đợt sóng còn chìm đắm nổi trôi trong giòng sinh tử, do quên bản thể của mình. Đức Phật là bậc giác ngộ, trở về với tự tánh thường nhiên nên Ngài là nước. Nước không khác sóng nên Phật nào khác chúng sanh, chỉ vì có ngộ có mê nên nghìn trùng sai biệt. Điều này khiến cho ta phát khởi một niềm tin mãnh liệt, rằng tất cả mọi chúng sanh đều có chánh nhân thành Phật. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có nắm vững pháp tu và có tinh cần công phu theo chánh pháp hay không.
6/ Ví dụ 6
Khi đèn bật sáng, mọi vật trong phòng hiện bày rõ ràng. Khi tắt đèn, phòng tối om, mọi vật đều không được nhìn thấy. Có ánh sáng, ta thấy vật; không có ánh sáng, ta thấy tối. Điều này chứng tỏ:
1. Cái thấy không khi nào vắng mặt, do đủ duyên (có ánh sáng) thì thấy vật, không đủ duyên thì thấy tối. Như vậy, sáng và tối là hai mặt đắp đổi cho nhau, tùy duyên mà hiện tướng, còn thể tánh hư không chỉ có một. Sáng và tối không hai, vọng và chơn cũng thế. Do tối mới lập bày ra sáng, do vọng mới nói đến chơn, còn tánh thấy hay tánh biết luôn luôn hiện hữu.
2. Khi đèn sáng, ta thấy mọi vật được sắp xếp thứ tự. Lúc tắt đèn, mọi vật vẫn ở nguyên đó chứ không biến mất. Cũng vậy, khi Đức Phật giác ngộ, trong ánh quang minh Ngài thấy toàn bộ vũ trụ vạn hữu đều là Phật pháp, mười phương thế giới đều là Tịnh độ. Còn chúng ta, do vô minh tăm tối, nên nhìn đâu cũng thấy phiền não khổ đau, thế giới là cõi Ta-bà uế trược. Cùng một thế giới mà thấy biết khác nhau, đó là do người nhìn đã giác hay còn mê. Thế thì chúng ta có phải lặn suối trèo non để tìm cõi Phật, hay đã thấm thía câu “Phật pháp tại thế gian” của Lục Tổ Tào-Khê?
7/ Ví dụ 7
Mái nhà có lỗ hổng, ánh sáng mặt trời xuyên qua tạo một vùng sáng. Trong vùng sáng này, ta thấy vô số hạt bụi bay lượn; tùy có gió mạnh hay yếu mà bụi bay nhiều hay ít.
1. Bụi bay là động, ánh sáng là tĩnh. Bụi nhiều hay ít đều nằm trong vùng sáng, vì ngoài vùng này ta không thấy có bụi bay. Cũng vậy, vọng tưởng sinh diệt dù nhiều hay ít đều không thoát khỏi tự tánh hằng tri. Đây là tinh thần của Tánh biết vọng, quán xuyến tất cả mọi tình huống, dù có vọng hay không.
2. Còn ánh sáng, ta còn thấy bụi; khi mặt trời lặn, ta hết thấy bụi bay. Thật sự lúc ấy có bụi không? Trong công phu, có lúc ta lầm lẫn tương tự như thế. Do bị lôi cuốn bởi trần cảnh nên ta không nhận ra các trạng thái của tâm, tưởng mình không còn vọng tưởng. Ví như khi chăm chú thưởng thức một bản nhạc hay, ta tưởng mình hoàn toàn vắng lặng, thật ra mình đang bị lôi cuốn theo tiếng nhạc nên quên mất mảnh đất thực tại của tâm mình.
3. Bụi bay nhiều hay không là do gió mạnh hay không có gió. Những hiện tượng này không ra khỏi hư không, và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hư không. Bụi bay là động, là biến đổi; hư không là thể tánh bất động thường hằng. Nhận được thể tánh hư không bất động thì phải khéo nhận tinh thần Tánh biết vọng.
8/ Ví dụ 8
Người chủ nhà tiếp khách. Khi khách đến đông, chủ nhà biết có khách nhiều; khách về bớt, chủ nhà biết khách còn ít; khách về hết, chủ biết không còn khách. Nhà không còn khách nhưng chủ nhà luôn luôn có mặt. Khách nhiều, khách ít, không khách là ba tình huống của khách, không dính dáng đến chủ nhà. Khách là đối tượng nhận thức, chủ nhà là chủ thể nhận thức.
Tương tự trong công phu, có vọng nhiều, vọng thưa hay hết vọng đều là những trạng huống của đối tượng nhận thức. Còn cái biết được, xuyên suốt được cả ba trạng huống ấy là chủ thể nhận thức. Đối tượng thì biến đổi, khi loạn động, khi lặng lẽ; còn chủ thể thì chẳng chuyển dời mà luôn tỉnh biết. Sao ta không khéo nhảy thẳng vào chỗ đó để lập thân, mà cứ mãi băn khoăn về vọng sinh vọng diệt?
Những ví dụ trên đây phần nào giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về các pháp thế gian và xuất thế. Vọng và chơn chỉ là hai mặt của một thực thể, do có vọng mới lập bày ra chơn, lập bày một cách ước lệ theo qui ước pháp thế gian. Thật sự, vọng và chơn không hai không khác: đây là tinh thần “Liễu vọng” tức Tánh biết vọng. Hiểu được bản chất của vọng, chúng ta không cần đè nén đàn áp vọng tưởng; vì dùng bạo lực trên vọng thì có lúc vọng tạm ngủ yên, nhưng sau đó nó vùng dậy càng mạnh mẽ lẫy lừng hơn trước. Điều nầy giải thích tại sao nhà Thiền thường nói “Cực tĩnh sinh động”. Lối dùng đá đè cỏ này không phù hợp với Thiền tông. Chúng ta cũng không sợ vọng khởi, vì khi liễu được vọng tức chơn, lập tức những đám mây vọng tưởng không còn có thể che lấp bầu trời tự tánh, mà ngược lại còn tô điểm cho nền trời. Như sóng và biển, cả hai cùng bản chất là nước, muốn tìm nước cứ ngay sóng mà tìm. Sóng biển có nổi có chìm, nhưng nước không bao giờ sinh diệt. Vọng tưởng lúc khởi lên khi lặng xuống, nhưng không thể nào rời khỏi biển chân như. Cho nên, nếu sợ vọng là đem tâm sợ cái tâm, nghĩa là nước mà sợ sóng, không đúng với lẽ thật.
Chúng ta bị trói buộc trong thân năm uẩn, thấy mình yếu đuối nhỏ nhoi trước vũ trụ bao la, và cách biệt với thế giới bên ngoài; do vậy nảy sinh vọng chấp vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Cũng như một túi nước thả xuống biển, khi túi còn nguyên vẹn thì nước trong túi còn cách biệt với nước ngoài biển cả. Nhưng khi túi bị thủng, nước bên trong và bên ngoài hòa nhập làm một. Đi sâu hơn, ta thấy nước trong túi và nước ngoài biển đã từng đồng thể tánh nước, không đợi đến khi túi bị thủng. Cũng vậy, chúng ta là phàm phu, nhưng vẫn có sẵn Phật chất đồng với chư Phật Bồ-Tát. Không phải khi ngộ mới là chân như, mà lúc còn vô minh ta đã chân như rồi! Chỉ vì chúng ta còn u tối, chưa biết mình có tự tánh hằng tri. Chúng sanh sống bằng thức giác, chư Phật sống bằng trí giác; nhưng kỳ thực, thức và trí không hai, chỉ vì thức như bóng tối còn trí như ánh sáng vậy thôi. Đây là lý do vì sao kinh Niết-bàn dạy rõ: “Chúng sanh đã là Phật”!
Hiểu sâu sắc ý nghĩa lời kinh, đời tu chúng ta rất vui vì mình có mục đích rõ ràng và một niềm tin kiên cố. Ta cũng nên ôm niềm thao thức “Mình có trí giác như các Ngài, sao mình không nhận ra?”. Đây là mối nghi tối cần của người tu, canh cánh trong lòng không sao quên được. Một lúc nào đó, đủ thời tiết nhân duyên, vấn đề này đột nhiên bùng vỡ. Hành giả giải quyết xong việc đại sự cho chính mình.
Như vậy, trong tinh thần Tánh biết vọng, ta phải ngay nơi động mà nhận ra cái bất động, ngay nơi vọng mà khéo nhận chân thể thường hằng. Thiền tông chủ trương tu ngay nơi động, chứ không thừa nhận trạng thái lặng lẽ của Thiền tịch mặc hay trầm không trệ tịch. Vì Thiền là chủ động, nên khi nhận ra thể tánh bất sinh, thì ở mọi tư thế, mọi hoàn cảnh, hành giả đều sống được với nó. Do đó, Lục Tổ không chủ trương tọa thiền, nhằm phá chấp cho những người thường đồng hóa Thiền và tọa. Nói thế không phải là bài bác việc tọa thiền. Khi tâm ta còn loạn động, dễ duyên theo trần cảnh, tọa thiền là tư thế thù thắng nhất để định tâm. Nhưng nếu cứ một bề nghĩ rằng chỉ tọa thiền mới là tu, vô tình ta đã xa rời tinh thần sống động tùy duyên của Thiền. Cho nên, xem thường, bài bác việc tọa thiền là một cực đoan; quá tôn sùng, cho tọa thiền là cứu cánh cũng là một cực đoan khác. Cả hai đều không đúng với đường lối Trung đạo của nhà Phật.
Trở lại vấn đề Liễu vọng, có thể nói rằng hành giả đến đây là đã đi được nửa đường, nghĩa là đã thấy đường về nhà nhưng chưa đến nhà. Nhà Thiền gọi là Đốn ngộ tiệm tu hay Kiến tánh khởi tu. Người có duyên sâu dày với Phật pháp, nghe giảng hay đọc kinh lục, tự nhiên nhận ra tánh biết thường hằng, qua một trong sáu căn. Ở đây, chúng ta tu trên vọng là tu theo ý căn, gọi là cửa Phổ-Hiền. Các Thiền sư ngày xưa, tùy đương cơ mà dùng nhiều thủ thuật khác nhau để chỉ bày chân tánh qua các cửa tương ứng với sáu căn. Chúng ta sẽ khảo sát kỹ các phương tiện khai thị này trong chương “Thuật tác động thẳng”.
Nương ý căn ngộ nhập Phật tánh cũng là pháp an tâm của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma dạy Ngài Thần Quang thuở trước. Sau khi chặt tay cầu đạo, Ngài xin Tổ dạy pháp an tâm. Đây là vấn nạn lớn của Ngài, vì lâu nay thấy tâm mình không an, tham vấn nhiều nơi mà chưa tìm ra lối thoát. Khi nghe Tổ bảo một câu đơn giản “Đem tâm ra ta an cho!”, thì như làn chớp giật, Ngài chợt thấy rõ ràng sự thật: Xưa nay cái bất an mà mình cho là tâm, chỉ là bóng dáng không thật của tiền trần. Do chạy theo cái bất an, cho tâm bất an này là thật mình, đem cái tâm này sợ cái tâm kia, nên có sự mâu thuẫn dằng co trong nội tâm, lớp này chồng lên lớp khác, gây đau khổ triền miên. Bây giờ nhìn thẳng vào nó, Ngài chợt thấy nó chỉ là vọng tưởng hư dối, do đây thầm nhận bản tánh hằng tri, nên được Tổ đổi tên là Huệ Khả.
Sau khi kiến tánh, còn phải dày công bảo nhậm, bào mòn tập khí, gọi là “khởi tu”. Bởi vì, tuy đã giác ngộ là đồng với chư Phật, nhưng “Đa sanh tập khí thâm”, nhiều đời tập khí đã chồng chất rất sâu rất dày. Tập khí là những thói quen huân tập từ vô lượng kiếp, là nghiệp nhân lôi chúng ta trầm luân trong sinh tử. Vọng tưởng cũng là tập khí, nên dù thấy rõ lý đạo nhưng vẫn còn thất niệm, phải mất nhiều thời gian công phu tinh cần, tâm mới thành một khối. Quốc sư Huệ Trung sau khi được tâm ấn nơi Lục Tổ, phải mất 40 năm tu hành ở cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai. Thiền sư Đại An trải qua 30 năm sống cùng “Ông chủ” ở núi Qui mới thấy “con trâu trắng sờ sờ trước mắt”.
Gọi là “tu hành”, nhưng ở giai đoạn này thì các Ngài không phải khổ công tu luyện, mà là vô công dụng hạnh. Tu mà không có pháp để tu, nên không thấy mình chứng đắc. Các Ngài chỉ một bề, hoặc luôn tỉnh giác quan sát tâm mình để trong không chạy theo vọng tình, ngoài không dính mắc với trần cảnh, gọi là “Giác ngộ vô niệm”; hoặc luôn sống với bản tâm chân thật thanh tịnh của chính mình, gọi là “Giác ngộ tri hữu”. Các Ngài không khởi vọng niệm như phàm phu, cũng không trừ vọng tâm như Nhị thừa. Làm sao được như thế?- Đây là công việc riêng của mỗi người, mà nếu nắm được bí yếu của nó, đời tu của chúng ta mới nhẹ nhàng và có ý nghĩa. Ta cũng sẽ quán triệt lời dạy của Lục Tổ “Đối cảnh tâm thường sanh, Bồ-đề làm gì lớn!”.
IV. MỘT SỐ NGỘ NHẬN VỀ THIỀN PHÁP TRI VỌNG
Từ khi pháp Tri vọng được áp dụng trong Thiền phái Trúc Lâm, một số tăng ni Phật tử theo đó tu hành có kết quả khá tốt. Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến chưa đồng tình. Với những người bạn đã thông cảm, chúng ta giúp nhau tu hành để cùng tiến bước. Với những người bạn chưa thông cảm, đó là do lỗi ở chúng ta chưa trình bày cụ thể một số vấn đề khá khó khăn và tế nhị. Do vậy, nêu lên những khúc mắc để chúng ta cùng xem xét, phần nào giải tỏa mối nghi, theo thiển ý là việc làm cần thiết.
1/ “Pháp Tri vọng không do Phật và chư Tổ dạy”?
Pháp Tri vọng, nếu hiểu thấu đáo, là tinh thần “Phản quan tự kỷ”. Nhìn lại mình, soi sáng thân tâm chính mình để thấy:
- Thân là duyên hợp không thật có.
- Tâm là vọng tưởng, cũng hư ảo không thật.
- Nơi thân tâm vô thường có cái chân thật thường hằng.
Tinh thần Phản quan tự kỷ là gốc rễ của đạo Phật. Dù trong các kinh điển Phật dạy hay ngữ lục của chư Tổ có dùng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung chỉ là một. Đức Phật trong 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội cây Tất-bát-la, Ngài chỉ luôn quán chiếu nội tâm của mình mà thành đạo, chứ không cầu xin một thế lực nào bên ngoài, vì thế Ngài tuyên bố “Ta học đạo không có thầy!”.
Kinh Lăng-Nghiêm kể chuyện Diễn-nhã Đạt-đa chấp bóng mình trong gương là thật, nên khi úp gương xuống, không còn thấy đầu mặt mình liền phát điên. Chúng sanh cũng điên đảo như thế, lầm chấp thân tâm huyễn này là mình, nên tạo nghiệp và thọ khổ. Kinh Kim-Cang dạy rõ hơn: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả pháp có hình tướng đều giả dối không thật. Những suy tư tình cảm của chúng ta có hình tướng không ? Nếu nghĩ về người nào, tư tưởng ta sẽ mang hình ảnh người đó; nghĩ về vật, về cảnh cũng như vậy. Từ một hình ảnh, tiếp nối hiện ra nhiều hình ảnh khác như cuộn phim, hiện ra rồi biến mất, chẳng phải hư vọng là gì? Bây giờ, chúng ta muốn thấy cái chân thật hằng hữu, phải làm sao?
Phẩm Hiện Bảo Tháp trong kinh Pháp-Hoa mô tả một cảnh tượng lung linh huyền diệu, mới nghe tưởng như hoang đường, kỳ thật chứa đựng một ý nghĩa sâu mầu uyên áo: Lúc Phật Thích-Ca đang giảng thuyết kinh Pháp-Hoa, bỗng nhiên có một tháp bảy báu từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không. Trong tháp có Phật Đa-Bảo lớn tiếng ngợi khen Đức Thích-Ca vì thương chúng sinh diễn pháp chân thật. Đức Phật Đa-Bảo có lời nguyện: “Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp-Hoa mà hiện ra trước các Đức Phật, vị Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, vị ấy phải nhóm họp tất cả Phật của mình đang phân thân thuyết pháp ở mười phương về lại một chỗ, sau thân ta mới hiện”. Tháp bảy báu tượng trưng thân thất đại (đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức), Phật Đa-Bảo là Pháp thân thường trụ của mỗi chúng sanh. Pháp thân có sẵn trong thân vô thường, nếu nhận ra pháp thân thì bảy đại trở thành bảy báu. Muốn thấy Pháp thân, phải thu nhiếp các Phật phân thân ở mười phương, tức ý thức không còn phân tán chạy theo ngoại duyên trần cảnh.
Phần “Quán tâm trên tâm” trong kinh Niệm-Xứ, bài kinh căn bản của Phật giáo Nguyên thủy, Phật dạy quán niệm trên 16 loại tâm, tựu trung là Tuệ tri trên vọng tưởng. Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma lần đầu tiên dạy Tổ Huệ Khả cũng là cách nhìn lại tâm mình để có cái thấy như thật. Các đời Tổ truyền thừa đều y cứ vào tâm mình mà thành tựu đạo quả. Cho đến Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư cư sĩ đời Trần, khi dạy Thái tử Khâm (vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ Trúc Lâm sau này) về yếu chỉ nhà Thiền, cũng chỉ bằng một câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được).
Do vậy, xoay lại chính mình, nhận rõ thân ngũ uẩn là hư dối, không chạy theo vọng tưởng; đồng thời nhận ra và hằng sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên, đó là mục đích tối thượng của sự tu hành. Đó cũng là đường lối chung của Phật giáo, dù có nhiều tên gọi khác nhau. “Pháp Tri vọng” cũng là một trong những tên gọi ấy.
2/ “Pháp Tri vọng không phải là pháp Trung đạo”?
“Tự tánh vốn không hình tướng, không đối đãi nhưng hằng tri hằng hữu, sao còn lập bày chơn-vọng rồi dạy người theo với chẳng theo? Như thế, đây không phải là pháp Trung đạo”. Lời nhận xét này đã chính xác chưa?
Thật ra, như đã trình bày ở phần trên, pháp Tri vọng có 2 nội dung chính, phù hợp với căn cơ của hành giả:
- Biết vọng: Người mới vào đạo, còn lầm chấp những tư tưởng tình cảm là thật mình, dễ bị lôi dẫn và tạo nghiệp. Người ấy phải được chỉ cho biết, đó là những vọng tưởng hư dối, không nên theo nó. “Biết vọng không theo” là phương tiện hướng dẫn hành giả trong giai đoạn đầu, để họ tập sống với cái Biết, từ đa niệm trở về nhất niệm rồi mới vô niệm. “Không theo” nên được hiểu là không dính mắc, không vướng bận, chứ không phải khởi thêm ý niệm “không theo”. Thiền sinh chỉ BIẾT đó là vọng tưởng mà không thêm niệm gì khác, chính là ý nghĩa của Tuệ tri Đức Phật đã dạy. Cho nên, “cái biết rõ từng động tác là thường hằng, là chính, còn vọng tưởng lâu lâu khởi là phụ” (Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX - HT Thích Thanh Từ).
- Liễu vọng: Người có căn cơ đặc biệt, khi nghe Phật dạy về Biết vọng, họ liền trực nhận Tánh Biết sẵn có của mình. Người ấy hiểu rõ, vọng và chơn là hai phạm trù vừa đối lập vừa song song tồn tại, do vọng mới lập ra chơn, còn tự tánh mới thường hằng bất biến. Ở đây không còn nhị biên phân biệt, phù hợp Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế.
3/ Những vướng mắc của thiền sinh tu theo pháp Tri vọng.
Thiền sinh nghe giảng, biết những tâm hành sinh diệt là vọng tưởng. Nhưng khi gặp chuyện trái ý, vẫn nổi giận và bị cơn giận lôi cuốn. Như thế là, chưa gặp chướng duyên thì thấy có tu, khi gặp chuyện thì sự tỉnh giác không còn. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, đừng hiểu lầm việc tu hành và chứng ngộ là dễ dàng như đọc trong Thiền sử.
Thiền sinh tu một thời gian, tọa thiền thấy vọng khởi liền biết, không bị nó dẫn lôi. Nhưng lại nảy sinh ý niệm buông hay không theo, mà không biết ý niệm ấy cũng là vọng. Cứ mãi dùng vọng buông vọng, nên vọng còn hoài. Tu đúng pháp là khi có vọng liền biết, nhưng không dính mắc trên vọng và không vướng bận cả với ý nghĩ buông.
Đôi khi vọng nổi lên lẫy lừng, Thiền sinh như bị vọng nhận chìm. Đè bẹp hết lớp này lại nổi lên lớp khác, một lúc là nhức đầu hoa mắt. Đó là do ta thấy vọng thật có nên đấu tranh với nó, dùng bạo lực đàn áp nó; một thời gian không đạt kết quả, sinh tâm chán nản, nghi ngờ.
Một số Thiền sinh công phu có tiến bộ, tọa thiền thấy yên ổn, cho đó là bản tâm thanh tịnh của mình. Họ cảm thấy mình đang ở trong trạng thái mênh mông bát ngát, thênh thang như hư không. Đây là tình trạng bất động và thanh tịnh, nhưng chỉ nên thầm biết chứ đừng khởi niệm “Ta đang thanh tịnh”. Khi khởi niệm thì đã mất thanh tịnh rồi. Lại nữa, khi ta thấy mình thanh tịnh thì sự thanh tịnh ấy đã là đối tượng nhận thức, tức ở ngoài mình, không phải bản tâm.
Có Thiền sinh cho rằng: “Tâm thể sáng suốt hằng hữu vốn không vọng không chơn. Ta đã nhận ra mình có tâm thể sáng suốt ấy, chỉ cần hằng ngày sống với nó là đủ”. Họ không biết rằng tâm thể tự nó rỗng rang mà hằng giác, nếu có chỗ cho mình thấy “không vọng không chơn”, có chỗ cho mình “sống với”, thì nó đã trở thành đối tượng bên ngoài. Đây là bệnh thường gặp của một số người tu lâu hoặc nghiên cứu nhiều kinh sách, thấy chư Tổ dạy như thế cũng bắt chước nói theo, mà không biết các Ngài vì người mới sử dụng ngôn từ tạm diễn bày cái không thể diễn bày được. Từ đó, họ ngộ nhận mình đã chứng đắc, nói năng ngông cuồng tự phụ, tạo nhân đọa vào đường ác, thật rất đáng thương!
Có người tinh tấn công phu, một thời gian có sự nhạy bén, nên khi vọng mới dấy lên liền biết. Nhưng họ lại cho đó là Tánh biết. Đây là điều lầm lẫn tai hại. Biết vọng nhiều, vọng thưa hay không vọng, nếu cho đó là “tánh biết”, thì “tánh biết” này lại trở thành đối tượng nhận thức. Tánh biết là tự biết chứ không phải được nhận là, cũng như khi ta thấy cảnh vật bên ngoài tức ta tự biết mắt mình sáng, chứ con mắt không thể thấy lại chính nó. Năng tri mà được nhận hiểu thì đã biến thành sở tri, cứ như vậy tiếp diễn mãi hết lớp này đến lớp khác. Đây là điều rất tế nhị mà nếu không đi sâu vào công phu thì khó thấu triệt, cho nên phải khéo thận trọng, đừng vội tự mãn cho mình tu hay tu giỏi mà tổn phước.
Có Thiền sinh nghe dạy “Tâm bình thường là Đạo” và “Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền”, chủ trương hằng ngày khi đối duyên xúc cảnh, ta cứ sống với “tâm bình thường” là đủ. Cái hiểu này bị hai điều lỗi: Một là, khi căn tiếp xúc với trần cảnh, ta thấy không dính mắc phân biệt; không ngờ có những vọng niệm rất vi tế mà ta không nhận ra, cứ ngỡ tâm mình đã “bình thường” tức đã vô tâm rồi. Hai là, nếu ta thấy mình đang sống với “tâm bình thường”, thì tâm ấy không còn bình thường nữa, vì nó đã là đối tượng.
Nhiều Thiền sinh chăn trâu miên mật, luôn canh giữ không cho niệm khởi, như kiểu Ngài Thần Tú lau bụi trên gương. Lối tu này cũng bị hai điều lỗi: Thứ nhất, vọng không thật thì làm sao lau? Thứ hai, do mang tâm trạng luôn luôn canh chừng vọng nên đâm ra sợ vọng và ưa thích cảnh giới yên lặng trống vắng. Trường hợp này có thể rơi vào trầm không trệ tịch.
Có Thiền sinh nghe ví dụ tâm như nước, vọng tưởng như đất bùn, nên nghĩ bản tâm vốn trong sạch nhưng bị vọng tưởng làm nhiễm nhơ. Muốn tâm trở lại thanh tịnh, phải gạn lọc vọng tưởng, như nước đục phải qua gạn lọc mới thành trong. Lối hiểu này là chấp tâm và vọng đều có hình tướng. Thật ra, tâm tự thanh tịnh, vọng không thể làm tâm bị nhiễm, nên không cần phương pháp nào để tâm trong sạch cả. Chẳng qua vì chúng ta quên tánh giác chạy theo trần cảnh, nên muôn đời muôn kiếp mãi làm chúng sinh(bối giác hiệp trần); còn các vị đã giác ngộ, luôn bối trần hiệp giác nên là Bồ tát, là Phật.
Một số Thiền sinh, do túc duyên nhiều đời nên một lúc nào, trực nhận ra tánh giác. Nhưng đáng tiếc, họ cho đó là xong việc, vội vàng thỏng tay vào chợ, mặc tình nói năng hành động buông lung. Nhà Thiền luôn thận trọng cảnh giác đối với những tâm niệm vi tế, vì tập khí sâu dày từ nhiều đời, không thể bào mòn nhanh chóng. Vị ấy phải gia công bảo nhậm để tự tánh luôn hiển bày, thường xuyên phản tỉnh để không bị vọng tưởng dẫn lôi. Đây là dụng công mà không tác ý nên là công phu vô hành, nhưng dù vô hành mà cũng phải công phu. Điều này nên khéo thầm lãnh hội, chúng ta nên theo đó mà dè dặt tu hành.
Có Thiền sinh hiểu pháp tu, thấy các Thiền sư ở ẩn trong núi trưỡng dưỡng Thánh thai, nên cũng tìm nơi rừng núi vắng vẻ tránh duyên. Cái chấp này bị hai điều lỗi: Một là, nếu không có nơi vắng vẻ thanh tịnh theo ý muốn, cứ mơ ước mãi nơi chốn ấy như một vùng đất hứa, thì sự mơ ước ấy trở thành phiền não chướng ngại. Hai là, nếu tìm được nơi vừa ý, một thời gian thấy yên ổn, ngỡ mình tu có kết quả tốt; không ngờ khi trở lại chỗ ồn náo thì sinh loạn động. Từ đó có tâm trạng chán ghét ồn náo, ưa thích vắng lặng. Đây cũng là bệnh, nên Sơ Tổ Trúc Lâm bảo “Ở đời vui đạo khéo tùy duyên”. Ở trong cảnh đời mà vẫn vui với đạo, ấy mới là tu chân chính.
Nhiều người tu hành lâu năm, nhưng nghe ai có thần thông cũng đem lòng ngưỡng mộ. Lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, lại đến xin bùa chú về giải hạn. Gặp cảnh lạ trong lúc tọa thiền, lại khởi tâm dính mắc. Tất cả đều không làm đúng lời Phật dạy. Đức Phật thường bảo: “Ta không để ý đến thần thông mà chỉ chú trọng đạo thông”. Ngài Mục Kiền Liên nổi danh thần thông đệ nhất trong mười vị đệ tử lớn của Phật, vẫn không thể tự cứu mình lúc đến giờ phải đền trả nghiệp cũ. Mặt khác, trong phần Ngũ ấm ma của kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng giải tường tận những cảnh giới kỳ lạ mà hành giả có thể gặp khi tọa Thiền. Nếu khởi tâm mừng hay sợ là bệnh, một thời gian bị lôi kéo dẫn dắt, người ấy có thể trở nên điên cuồng.
Tất cả những điều chúng ta vừa khảo sát qua, dù sâu hay cạn, đều chỉ là lý thuyết. Muốn thâm nhập thực chất của vấn đề, mỗi người chúng ta phải tự thân áp dụng vào công phu. Tùy trình độ căn cơ và phước duyên của từng người mà có kết quả sai khác, nhanh chậm; nhưng nếu chúng ta có ý chí kiên định, có lòng kiên nhẫn trường kỳ, và có niềm tin vững chắc về Phật nhân của chính mình, về khả năng của mình và về sự đúng đắn của con đường mình đang đi, thì có ngày chúng ta sẽ thành tựu Phật quả.
--
http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/7060-Chuong-3-Tri-Vong.html