Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

John Stuart Mill

Bài hay, đáng đọc !

 

Bùi Văn Nam Sơn

Đọc lại

   

BÀN VỀ TỰ DO

của John Stuart Mill1

… “Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn”…
(Khảng khái bi ca, lưỡi hãy còn…)

Phan Châu Trinh2

 

 

1. Một tác phẩm kinh điển trong kho tàng của triết học chính trị thế giới lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, và, thật đáng ngạc nhiên một cách thích thú, chỉ vài tháng sau khi được in (12.2005) – như là một trong các dịch phẩm “đầu tay” của NXB Tri thức thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới –, bản dịch đã được tái bản (03.2006) và chắc hẳn sẽ không phải là lần tái bản duy nhất! Tác phẩm tương đối ngắn (260 trang), được dịch chính xác, rõ ràng, lại được giới thiệu, phân tích và đánh giá qua “Lời Nhà xuất bản”, “Lời Giới thiệu” của GSTS Nguyễn Trọng Chuẩn và “Lời Bạt” (“Về tác giả và tác phẩm”) của dịch giả Nguyễn Văn Trọng đã giúp ích rất nhiều cho người đọc trong việc tìm hiểu tác phẩm. Bài viết sau đây của chúng tôi chỉ là phần “nối điêu”, thử đặt tác phẩm nói trên trong toàn cảnh tư tưởng của tác giả, nhất là trong các tác phẩm về chính trị và xã hội của ông như một cố gắng để tự học thêm, đồng thời để góp vui vào tập Kỷ Yếu kính mừng GSTS Đặng Đình Áng thượng thọ 80 xuân.

2. Là một “thần đồng” có học vấn rất cao và có nhiều thành tựu trong nhiều ngành khoa học khác nhau (lôgíc học, khoa học luận, luật học, kinh tế chính trị…), J.S.Mill là tác giả được học giới đặc biệt quan tâm và ngưỡng mộ. Vào thế kỷ 19, Thủ tướng Anh Gladstone đã gọi ông là “vị Thánh của thuyết duy lý”. J. S. Shapiro, năm 1943, gọi ông là “người phát ngôn hàng đầu của chủ nghĩa tự do trong thế kỷ 19”. Mười năm sau, Karl Britton, người viết tiểu sử của Mill, viết: “Mill tạo nên một ảnh hưởng đến tư duy triết học trong và ngoài nước mà ít có nhà tư tưởng hàng đầu nào khác có thể vượt qua được”. Leopold von Wiese, nhà xã hội học Đức, gần đây lại cho rằng: “Trong lịch sử tư tưởng Âu Châu hiện đại, chỉ có một số ít các học giả được nhiều ngành khoa học xem trọng như trường hợp của Mill”.

Thế nhưng, công bằng mà nói, suốt một thời gian dài, công cuộc nghiên cứu về Mill chưa đánh giá hết tầm quan trọng của ông, nhất là đối với các tác phẩm chính trị và xã hội đang còn nóng bỏng tính thời sự. Phải chờ đến Thế chiến II khi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít trở nên gay gắt, người ta mới thực sự tái phát hiện “vị Thánh tông đồ này của tự do”. Nghiên cứu về Mill được “phục hưng” từ sau khi Thế chiến II kết thúc: các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề về ông được công bố dồn dập; “Toronto University Press” ấn hành toàn tập khảo chứng đầu tiên về ông năm 1963, và, từ 1965, được bổ sung bằng ấn bản định kỳ: “Mill News Letters”. Có thể nói, về nhiều phương diện, công cuộc nghiên cứu về Mill thật sự được bắt đầu lại, đặc biệt là đánh giá, phân tích và suy ngẫm về cống hiến của Mill trong việc phê phán Nhà nước và xã hội trong thời đại Victoria cùng với những bài học có thể rút ra từ đó và không chỉ cho thế giới Tây phương.

Bản thân sự kiện trên đây nói lên điều gì? Thứ nhất, các khái niệm nền tảng của triết học chính trị - xã hội, mà nổi bật hàng đầu là khái niệm “tự do”, đều là các khái niệm trừu tượng, nhưng người ta chỉ thường đề cập đến chúng và thực sự quan tâm trở lại với chúng trong những hoàn cảnh cụ thể, khi chúng – với tư cách là các giá trị – đang bị thách thức và có nguy cơ bị xâm phạm. Thứ hai, các khái niệm ấy vừa kêu đòi hành động thực tiễn, vừa đồng thời tiền giả định một sự “thức tỉnh” về lý thuyết. Trong chừng mực đó, “bàn về Tự do” bao giờ cũng là một “thực tiễn lý luận”, một “vấn đề sinh tử” (tr. 17)3 chứ không phải là “lý thuyết” hay “tư biện” suông. Trong cảnh gông xiềng bị đưa đi đày ở Côn Lôn, cụ Phan vẫn tin vào “cái lưỡi hãy còn” của mình, tức tin vào nó như là vũ khí hành động để kêu đòi tự do và thức tỉnh quốc dân!

Trong lịch sử tư tưởng về “Tự do”, ở phương Tây, ta bắt gặp ba “mô hình” lý luận tiêu biểu làm cơ sở cho hành động thực tiễn:

- cứu vãn sự Tự do trước sự tất yếu của Tự nhiên để đặt nền tảng cho hành động thực hành (luân lý) và khẳng định “phẩm giá bất khả xâm phạm” của con người (Kant)4.

- hiện thực hóa Tự do như là tiến trình lịch sử tất yếu (Hegel)5, và,

- minh định phạm vi và ranh giới của Tự do dân sự trong mối quan hệ cá nhân - xã hội vì sự tiến bộ và phát triển của đời sống cộng đồng (Mill).

Hai “mô hình” trước dựa trên một “lý tính” (rationality) mang màu sắc triết học và siêu hình học (“siêu nghiệm” nơi Kant; “siêu hình học tư biện” nơi Hegel). “Mô hình” thứ ba của Mill – để mượn một thuật ngữ của J. Habermas – dựa trên một “lý tính phương pháp”6, tức tìm cách giải quyết vấn đề “trong cộng đồng những người công dân của một nhà nước dân chủ và trong một hệ thống pháp quyền”5.

Đặt tác phẩm Bàn về Tự do trong tổng thể các tác phẩm triết học của Mill, ta thấy tư tưởng chính trị và xã hội của ông xoay quanh các khái niệm trung tâm sau đây: a) tính công lợi (utility); b) tự do; c) giáo dục; d) dân chủ; e) chủ nghĩa xã hội; và f) chủ nghĩa đế quốc. Do khuôn khổ của bài viết, chúng ta sẽ không đi sâu vào nội dung từng khái niệm mà chủ yếu tìm hiểu cơ sở lập luận của chúng.

3. Tính công lợi:

- Học thuyết xã hội của Mill dựa trên hai nguyên tắc nền tảng: nguyên tắc công lợi và nguyên tắc tự do. Nguyên tắc tự do lại đặt cơ sở trên nguyên tắc công lợi, và nguyên tắc công lợi, đến lượt nó, lại lấy quan niệm về “hạnh phúc” làm tiền đề, với luận điểm chủ yếu: giá trị luân lý của hành vi và quy tắc hành vi phải được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn: chúng mang lại ích lợi gì cho hạnh phúc của những cá nhân có liên quan. Trong chừng mực đó, tác phẩm Bàn về Tự do cần được tìm hiểu trong quan hệ chặt chẽ với đạo đức học của Mill. Luận điểm ấy mang lại bốn hệ luận:

- hành vi và quy tắc hành vi được đánh giá không phải từ bản thân chúng mà từ các kết quả do chúng mang lại.

- các kết quả được đánh giá từ ích lợi của chúng.

- đánh giá về ích lợi dựa trên hạnh phúc của con người.

- hạnh phúc này không chỉ liên quan đến cá nhân mà đến toàn thể mọi người.

Do đó, nguyên tắc công lợi – như là tiêu chuẩn cho giá trị luân lý của hành vi và quy tắc hành vi – có hai chức năng:

- chức năng của một tiêu chuẩn để quyết định và chọn lựa những hành vi và quy tắc hành vi nào tối đa hóa sự ích lợi cho hạnh phúc tập thể.

- không chỉ là tiêu chuẩn để quyết định và chọn lựa mà còn là “quy phạm” của luân lý: luân lý là tổng thể những quy tắc hành vi mà việc tuân thủ chúng có thể mang lại ích lợi tối đa cho hạnh phúc tập thể.

Như thế, trong chức năng này, nguyên tắc công lợi là điều kiện cần và đủ để xét một quy tắc hành vi có thuộc về lãnh vực luân lý hay không. Nói khác đi, các quan niệm luân lý nào không thoả ứng được tiêu chuẩn này thì không được xem là “luân lý”7. Đi vào cụ thể, cần phải xác định thế nào là “ích lợi cần tối đa hoá” cho hạnh phúc tập thể. Sidgwick (1874), trong Các phương pháp của Đạo đức học 8, phân biệt giữa “thuyết công lợi về tổng số những ích lợi” (gọi tắt: TS) với “thuyết công lợi về ích lợi bình quân theo đầu người” (TB). Trong “TS”, tổng số ích lợi cho hạnh phúc của mọi cá nhân là đại lượng cần phải được tối đa hoá, ngược lại với việc tối đa hoá ích lợi bình quân đầu người trong “TB”. Bao lâu số lượng người không thay đổi, hai thuyết ấy không có sự khác nhau, tức không có sự dị biệt về lượng giữa hai nỗ lực tối đa hoá. Nhưng, khi số lượng người là một biến số, thì, về nguyên tắc, trong “TS”, hạnh phúc tập thể có thể được tăng lên mà vẫn giữ nguyên mức ích lợi bình quân. Ngược lại, trong “TB”, ích lợi bình quân chỉ tăng lên bằng cách gia tăng ích lợi cho từng cá nhân riêng lẻ. Bentham – chủ trương thực hiện “hạnh phúc lớn nhất cho số lượng người lớn nhất” mặc nhiên chủ trương thuyết “TS”. Ngược lại, thuyết công lợi của Mill có thể xem là thuộc “TB”, vì ông xem trọng việc sinh đẻ có kế hoạch. Như thế, Mill chủ trương rằng: dựa vào nguyên tắc công lợi, giá trị luân lý của hành vi và quy tắc hành vi phải được xem xét trong quan hệ với ích lợi bình quân đầu người cho hạnh phúc tập thể.

- Vì lẽ nguyên tắc công lợi tiền giả định rằng hạnh phúc tập thể là tiêu chuẩn duy nhất cho việc đánh giá luân lý về hành vi và quy tắc hành vi, nên Mill cần nỗ lực chứng minh rằng hạnh phúc tập thể là điều đáng phấn đấu như là mục đích tối cao của hành động. Để giải quyết vấn đề này, ông phân biệt hai loại mục tiêu của hành vi: * những mục tiêu không có giá trị tự thân mà chỉ là phương tiện để đạt được hạnh phúc, chẳng hạn: tiền bạc hay sự giàu có; * những mục tiêu có giá trị tự thân, như là những bộ phận cấu thành của hạnh phúc: chẳng hạn, đức hạnh và sức khoẻ, tức những gì không thể được quy giảm thành phương tiện. Tất nhiên, khái niệm “hạnh phúc” của Mill gặp không ít vấn đề. Một mặt, Mill cố ý sử dụng khái niệm này trong một nghĩa rất rộng nhằm mô tả được mọi mục đích của hành động. Nhưng, trong trường hợp ấy, rất khó nhận diện hay phân biệt được những hành vi và quy tắc hành vi nào có lợi hay có hại đối với hạnh phúc tập thể. Mặt khác, như Skorupski phê phán9, khái niệm của Mill về hạnh phúc không thích hợp để mô tả trọn vẹn mọi mục đích được dự kiến trong mọi hành vi. Vì thế Skorupski xem chủ trương của Mill ít nhiều rơi vào thuyết quy giảm và cho rằng bên cạnh hạnh phúc, cần tính tới những mục đích khác nữa trong việc mô tả những mục tiêu hành động.

Dù các luận cứ phản bác này là chính đáng, ta cũng không nên “vơ đũa cả nắm” để phản đối thuyết công lợi như là một thứ “triết học con lợn” (“pig philosophy”) như cách kết án nặng nề của Carlyle10. Sự kết án này xuất phát từ chỗ hiểu khái niệm “sự sung sướng” – qua đó định nghĩa khái niệm hạnh phúc – đơn thuần là khoái lạc cảm tính. Ta đồng ý với Carlyle và nhiều nhà phê phán khác rằng loại hạnh phúc ấy không phù hợp để được xem như là tiêu chuẩn cho việc đánh giá luân lý về hành vi và quy tắc hành vi, bởi nó không khác mấy với sự thoả mãn thú tính, do đó, là thấp hèn về mặt chất lượng và giản lược luân lý thành một công cụ để thoả mãn các nhu cầu sinh vật. Thật ra, sự phê phán này chủ yếu nhắm vào loại hình thuyết công lợi sơ kỳ với đại diện tiêu biểu là Jeremy Bentham trong tác phẩm Dẫn nhập vào các Nguyên tắc của luân lý và ban bố quy luật (1780)11. Trong tác phẩm này, Bentham phát triển quan niệm về “bài toán hạnh phúc” – có vai trò như nguyên tắc công lợi của Mill – như là tiêu chuẩn để đánh giá luân lý về hành vi và quy tắc hành vi, trong đó chủ yếu xem trọng phương diện “lượng” hơn là phương diện “chất” của sự sung sướng. Vì thế, Bentham cho rằng: giả định rằng hai hành vi cùng tạo ra một lượng sung sướng hay khoái lạc như nhau thì hành vi trí tuệ, tinh thần cũng được xét ngang hàng với hành vi đơn thuần cảm tính. Ở đây, nhất thiết phải nhận rõ sự dị biệt và chuyển hoá rất cơ bản về thuyết công lợi giữa Bentham và Mill. Mill cũng sử dụng công thức của Bentham về “hạnh phúc lớn nhất cho số lượng người lớn nhất”. Ông cũng hiểu hạnh phúc là sự sung sướng (pleasure) và sự vắng mặt của đau khổ (pain). Hành vi là đúng khi nó có mục đích hỗ trợ cho hạnh phúc và là sai khi tạo ra cái đối lập với hạnh phúc. Nhưng, trái ngược với khái niệm hạnh phúc – có thể đo lường được về lượng và hướng đến tri giác cảm tính đơn thuần – của Bentham, Mill chủ trương một khái niệm hạnh phúc được dị biệt hoá về chất. Ông dành cho “niềm vui của trí tuệ, của tình cảm và của sự tưởng tượng cũng như của những cảm nhận luân lý” một chất lượng cao hơn hẳn khoái lạc đơn thuần cảm tính. Với Bentham, bản thân con người cùng lắm chỉ có khả năng nhận định điều gì là có lợi cho hạnh phúc của bản thân mình. Thuyết công lợi của Bentham dễ dàng biến thành một thứ chủ nghĩa cá nhân thô thiển. Chính ở đây, Mill xa rời Bentham (và cả với cha của ông, một môn đệ trung thành và nhà diễn giải Bentham). Mill áp dụng khái niệm hạnh phúc không chỉ cho những cá nhân riêng lẻ mà còn luôn nghĩ đến hạnh phúc của những người khác, thậm chí cho “toàn bộ nhân loại”. Trong Tự truyện, ông viết: “Chỉ có hạnh phúc những ai hướng ý nghĩa cuộc sống vào một đối tượng khác hơn là hạnh phúc của cá nhân mình: đó là hướng đến hạnh phúc của những người khác, hướng đến việc cải thiện nhân loại” (improvement of mankind). Xét trong bối cảnh lịch sử cụ thể, học thuyết của Bentham giới hạn rõ rệt trong phạm vi tầng lớp trung lưu tư sản, trong khi thuyết công lợi của Mill bao hàm cả giai cấp công nhân, lao động đang hình thành trong lòng cuộc cách mạng công nghiệp đương thời. Học thuyết ấy mang kích thước xã hội rộng lớn hơn nhiều. Trong lãnh vực chính trị, như ta sẽ đề cập trong tiểu mục “Dân chủ” ở sau, Mill không chỉ vận động – giống như Bentham – cho một sự cải cách hiến pháp và quyền bầu cử để tăng cường sức mạnh của tầng lớp trung lưu tư sản. Các đề nghị của ông còn nhắm đến một sự cải cách xã hội bao gồm cả tầng lớp lao động đông đảo. Khác với Bentham, Mill đã có sự nhạy cảm trước những biến đổi của xã hội và thời cuộc mà cuộc cách mạng công nghiệp đã báo hiệu.

Về mặt lý luận, việc áp dụng nguyên tắc công lợi nơi Mill không tiền giả định một nhận thức tiên nghiệm nào cả như nơi Kant, trái lại, tiền giả định một nhận thức thường nghiệm ở cả hai phương diện: a) một mặt, sự dị biệt về chất giữa các loại hình “sung sướng” chỉ có thể được xác định một cách thường nghiệm; b) mặt khác, trong những trường hợp cụ thể khi áp dụng nguyên tắc công lợi, cần có đầy đủ “thông tin” về sự sung sướng và đau khổ của những cá nhân có liên quan thông qua các khảo sát thường nghiệm. Ở đây, lại nảy sinh hai khó khăn : * khó khăn trong việc so sánh ích lợi ở “bên trong con người” (intrapersonal) để xác định chính xác đâu là các trạng thái sướng khổ về chất và lượng; * khó khăn trong việc thông báo và so sánh ích lợi giữa những con người với nhau (interpersonal). Hai khó khăn này cho thấy nguyên tắc công lợi khó có thể được sử dụng để xác định chính xác sự ích lợi của những hành vi hay những quy tắc hành vi khác nhau. Tuy thế, nó vẫn có thể được sử dụng như một trợ thủ để định hướng cho việc lựa chọn và quyết định.

- Sau khi xác định nội dung và chức năng của nguyên tắc công lợi cũng như đặt cơ sở cho nguyên tắc này bằng học thuyết về “hạnh phúc”, Mill tiếp tục bàn về mối quan hệ, – hay đúng hơn về sự xung đột và nghịch lý có thể có –, giữa khái niệm công lợi và khái niệm công bằng theo cách hiểu thông thường12. Vì công bằng và tự do là hai khái niệm đồng đẳng, nên vấn đề đặt ra ở đây cũng sẽ có giá trị trong việc tìm hiểu khái niệm “tự do” ở sau. Khi bàn về mối quan hệ giữa công bằng và công lợi, Mill tìm cách biện giải trước chất vấn: không phải mọi hành vi và quy tắc hành vi được đánh giá tích cực về luân lý dựa theo nguyên tắc công lợi đều nhất thiết là công bằng theo các quan niệm thông thường. Đó là trường hợp giả định khi hạnh phúc tập thể có thể được tăng lên nhưng lại vi phạm các quan niệm thông thường về sự công bằng vì các hành vi giới hạn hay thậm chí triệt tiêu quyền hạn của những người khác. Liệu hạnh phúc tập thể có thể được tối đa hóa khi những người vô tội bị hy sinh? David Lyons13 nêu một ví dụ: cả một đoàn người thì không được phép đạp lên bãi cỏ vì sẽ làm hỏng nó, nhưng nếu một số ít người thì không sao. Vậy, xét về mặt hạnh phúc tập thể và giá trị luân lý của nguyên tắc công lợi, việc cho phép một số ít người đạp lên bãi cỏ là tốt hơn so với việc không cho phép ai cả? Nhưng, sự ưu đãi ấy lại là “đặc quyền đặc lợi” cho một số ít người và khó được gọi là công bằng! Trong các trường hợp ấy, nguyên tắc công lợi – như là “tiêu chuẩn cho sự công bằng và không công bằng” – trở nên khả nghi về hai phương diện: * nội hàm của khái niệm “công bằng” và “công lợi” có chỗ dị biệt: có những hành vi và quy tắc hành vi có lợi đối với hạnh phúc tập thể nhưng lại không công bằng theo các quan niệm luân lý thông thường; * thuyết công lợi không thể mang lại giá trị tuyệt đối, vô-điều kiện cho các nguyên tắc luân lý vì giá trị của chúng phụ thuộc vào sự hữu ích đối với hạnh phúc tập thể tùy lúc, tùy nơi, trong khi yêu sách của các nguyên tắc luân lý là phải được tuân thủ trong mọi tình huống.

Mill ý thức rõ rằng vấn đề trên đây – như sẽ tái diễn đối với khái niệm tự do – là “khó khăn duy nhất và thực sự của triết học luân lý công lợi” (Sđd, tr. 111). Ông chưa tìm ra được giải pháp thật thoả đáng cho vấn đề này ngoại trừ cách viện dẫn đến “lương tri thông thường” (common sense) của con người trong khuôn khổ một “thuyết vị kỷ ôn hoà”. Theo Mill, dựa vào lý trí, ai ai cũng có thể nhận ra được “lợi ích riêng hợp tình hợp lý” của chính mình. Nhận thức này giả định rằng mỗi cá nhân – như là một phần tử của xã hội – nhất thiết phải quan tâm đến việc vun bồi hạnh phúc tập thể cho xã hội mình đang sống, vì chỉ có như thế, lợi ích cá nhân mình mới được bảo đảm. Nói cách khác, nhận thức về lợi ích riêng “hợp tình hợp lý” nằm trong nhận thức về điểm chung, tương đồng giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, trái ngược lại với một thuyết “vị kỷ cực đoan”14. Vì thế, Mill chủ trương: các nghĩa vụ về sự công bằng chỉ có giá trị ràng buộc khi căn cứ vào tính hữu ích đối với đời sống xã hội hài hoà và đối với hạnh phúc cộng đồng, và: “Mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng, trừ khi một lợi ích tập thể được thừa nhận đòi hỏi điều ngược lại” (tr. 109 và tiếp). Một “lợi ích tập thể được thừa nhận” không phải là cái gì “tiên nghiệm” mà là thường nghiệm và dựa vào sự đồng thuận nào đó. Sự đồng thuận ấy, nếu có, là tuỳ thuộc vào các yêu cầu khác nhau của các quan hệ xã hội. Như thế, tuy Mill không thể đảm bảo được tính giá trị vô-điều kiện của các nghĩa vụ luân lý và không hoàn toàn chứng minh được tính “vạn năng” của nguyên tắc công lợi, nhưng quan niệm của ông cũng tỏ ra ít “không tưởng” nhất và mang đậm màu sắc thực tiễn, “duy thực” trong tinh thần của đạo đức học Aristotle.

Một vấn đề khác trong quan hệ giữa công lợi và công bằng là vấn đề phân phối công bằng ích lợi tập thể cho những cá nhân có liên quan. Dù Mill luôn nhấn mạnh rằng khi xét đến ích lợi tập thể của những hành vi và quy tắc hành vi, cần đồng thời quan tâm đến hạnh phúc của mọi người có liên quan, nhưng ông không đề ra phương thứcthể thức phân phối ích lợi tập thể này. Nếu chỉ xuất phát từ ích lợi tập thể thì việc phân phối bình quân hoặc phân phối ưu đãi không được đặt ra một cách nghiêm chỉnh. Trong chừng mực đó, thuyết công lợi của Mill còn thiếu sự chính xác và cần được bổ sung bằng các nguyên tắc phụ trợ để đảm bảo sự phân phối công bằng15.

Tóm lại, thuyết công lợi của Mill là “thuyết tự nhiên về đạo đức học” (ethical naturalism) vì trong cách tiếp cận ấy, các khái niệm giá trị và các mệnh đề quy phạm về luân lý được định nghĩa và đặt cơ sở bằng các khái niệm và mệnh đề mang tính mô tả: giá trị luân lý của hành vi và quy tắc hành vi được xác định phụ thuộc vào ích lợi của chúng đối với hạnh phúc tập thể. Và vì Mill xem đạo đức học công lợi của mình như là một khoa học thường nghiệm, không có yêu sách nào về nhận thức tiên nghiệm cả, nên nó nhất trí với thuyết tự nhiên về nhận thức luận của ông16 (nằm ngoài phạm vi của bài viết này).

Mặt khác, các khó khăn nan giải được đề cập sơ lược trên đây không làm lu mờ tầm quan trọng về triết học của thuyết công lợi nói chung. Tuy cần phải bổ sung hay điều chỉnh về nội dung cho nguyên tắc công lợi, nguyên tắc ấy – do tính duy thực và ít không tưởng của nó – vẫn có thể được sử dụng với chức năng giới hạn như là nguyên tắc trợ giúp nghiên cứu (heuristic): trong những trường hợp phức tạp về luân lý và xã hội, nó giúp ta triển khai các đề nghịcác chọn lựa khác nhau trong mục tiêu hợp lý là tối đa hóa “hạnh phúc của những cá nhân có liên quan”.

4. Tự do:

Ngay trong khói lửa của Thế chiến II, J. S. Shapiro, năm 1943, đã nhận định: “Thậm chí đến ngày nay, tác phẩm Bàn về Tự do vẫn giữ nguyên giá trị như là biểu hiện tốt nhất và hoàn chỉnh nhất về niềm tin vào sự tiến bộ của nhân loại bằng sự tự do tư tưởng. Trong mọi nước và mọi thời, chưa có quyển sách nào trình bày rõ ràng và bảo vệ kiên quyết cho học thuyết về tự do cá nhân đến như thế”17. Để tìm hiểu cơ sở lập luận của “học thuyết về tự do cá nhân này”, bên cạnh tác phẩm Bàn về Tự do, ta nên tham khảo thêm chương cuối tác phẩm: Principles of Political Economy / Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học của ông ra đời mười năm trước đó.

4.1 Tự do là những quyền tự do:

Trung tâm điểm của Bàn về Tự do là mối quan hệ của cá nhân đối với xã hội. Luận điểm xuất phát: tự do chính trị lẫn xã hội của cá nhân đang bị đe doạ vì ngày càng bị xã hội giới hạn. Theo Mill, sở dĩ tự do này cần phải được bảo vệ trước sự can thiệp của xã hội vì nó là điều kiện cơ bản cho sự tiến bộ xã hội và, do đó, cho hạnh phúc của cộng đồng chứ không vì một mục đích nào khác. Vì thế, Mill đề ra một nguyên tắc – tạm gọi là “nguyên tắc tự do” – để xác định ranh giới của quyền lực hợp pháp và hợp lý của xã hội, theo đó, tự do cá nhân chỉ được phép bị giới hạn với điều kiện giúp cho xã hội tự bảo vệbảo vệ những người khác. Một sự xác định ranh giới rất lôgíc nhưng thật không dễ dàng và đơn giản để thực hiện!

Mill hiểu thế nào là “tự do”? Ông không bàn một cách trừu tượng về “khái niệm” tự do như nhiều triết gia khác mà bàn về “những quyền tự do cụ thể” như ông khẳng định ngay từ đầu tác phẩm: “đề tài của luận văn này không phải là điều được gọi là Tự do của Ý chí (…) mà là Tự do Dân sự hay là Tự do xã hội”… (tr. 17). Theo Mill, ba quyền tự do sau đây của cá nhân nhất thiết phải được bảo vệ: 1. tự do lương tâm và tự do ngôn luận; 2. tự do trong việc chọn lựa lối sống; 3. tự do lập hội.

Tự do lương tâm (thật ra không khác mấy với “tự do ý chí”!) là điều kiện tiên quyết nhưng không đủ. Tư tưởng phải được tự do bộc lộ và diễn đạt ra bên ngoài, tức phải có tự do ngôn luận. Như Mill sẽ luận giải (xem: 4.3.1), ông xem tự do ngôn luận (và tự do thảo luận, tranh luận) là sự tự vệ hiệu quả chống lại sự độc đoán của “công luận” do nhà nước hay một nhóm xã hội lèo lái. Ông không sợ gì hơn là “sự chuyên chế của xã hội đối với cá nhân” (ám chỉ “bộ máy áp bức tinh thần” của giai cấp trung lưu thời đại Victoria). Tự do khỏi “sự khủng bố của xã hội” cũng quan trọng không kém tự do thoát khỏi sự áp đặt của nhà nước. Tự do ngôn luận – bao gồm sự khoan dung đối với những ý kiến dị biệt và tự do đi tìm chân lý – là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ xã hội.

Nhưng, tự do không chỉ giới hạn trong phạm vi “tinh thần”. Khi Mill nói về tự do, ông luôn nghĩ tới sự tự do phát huy nhân cách và tính cách – được ông gọi chung là “cá tính” (individuality) trong môi trường xã hội và tự nhiên, thể hiện trong lối sống của mỗi người. Đồng thời tự do ấy không chỉ hướng đến cá nhân mà gắn liền với cộng đồng xã hội. Vì thế, ông chủ trương sự tự do lập hội và kết đoàn – không chỉ cho tầng lớp trung lưu tư sản mà cả cho nhân dân lao động. Ông ủng hộ tích cực phong trào hợp tác xã và công đoàn đương thời. Trước khi bàn về chức năng và cơ sở lý luận của “nguyên tắc tự do” nơi Mill, ta nên lưu ý đến tư tưởng của ông về các ranh giới tất yếu của tự do:

- tự do chỉ có thể trở thành hiện thực trong một cộng đồng văn minh.

- nó cũng chỉ áp dụng được cho những con người “đã trưởng thành về các năng lực”, tức không áp dụng một cách máy móc cho trẻ em và những người bị thiểu năng về trí tuệ. Nhưng, khác với nhiều nhà tư tưởng đương thời, Mill hoàn toàn ủng hộ quyền tự do toàn vẹn cho phụ nữ và các tầng lớp thấp trong xã hội. (Bàn về Tự do : tr. 34-35 và tiếp).

Sự e ngại của ông trước “sự độc tài của đa số” ngày càng đe doạ tự do xã hội và chính trị của cá nhân xuất phát từ các yếu tố và nhận định sau đây:

- tư tưởng (Thanh giáo) chính thống của thời đại Victoria đối với vấn đề luân lý yêu sách sự tuân thủ nghiêm ngặt và triệt để: “trong thời đại chúng ta, từ giai cấp cao nhất cho đến thấp nhất của xã hội, ai ai cũng phải sống dưới con mắt của một sự kiểm duyệt thù địch và đáng sợ”.

- trong tiến trình công nghiệp hoá, các điều kiện sống ngày càng tương đồng khiến cho không chỉ lối sống mà cả lối suy nghĩ cũng trở nên rập khuôn: “…đọc, nghe, nhìn cùng những thứ giống nhau, đi đến cùng một nơi, hy vọng và lo âu về cùng một thứ…”.

Mill tỏ ra lo ngại trước sự phát triển này, vì một mặt, ông đồng ý với Wilhelm von Humboldt rằng “tự do và tính đa dạng của những hoàn cảnh bên ngoài” là hai điều kiện cơ bản cho sự phát triển của con người và sự tiến bộ của xã hội. Mặt khác, theo Mill, sự phát triển này gây tổn hại đến tự do của cá nhân vì nó dẫn đến chỗ “cá tính” không còn được xem như là giá trị nữa, không còn sự ủng hộ nào của xã hội đối với tính độc đáo và tính không xu thời.

Vì thế, Mill cũng là một trong số rất ít các nhà tư tưởng sớm nhìn ra mặt trái và nhược điểm của thể chế dân chủ thường có xu hướng đè nén các nhóm thiểu số về mặt chính trị lẫn xã hội. Ở điểm này, ông chia sẻ tầm nhìn xa với Alexis de Tocqueville (khi điểm sách Về nền dân trị ở Mỹ (1835/40) của Tocqueville)18 và không tin tưởng mấy vào học thuyết tự do kinh tế (“laisser faire”) của Adam Smith và David Ricardo trong truyền thống chủ nghĩa tự do (sơ kỳ) của Hobbes và Locke. Với Mill, dân chủ quả là hình thức chính thể duy nhất hợp lý vì nó dựa trên sự tự do và bình đẳng của người công dân. Nhưng, theo ông, nó cũng chứa đựng nguy cơ tiềm tàng vì nền dân chủ khó điều hoà giữa tự do và bình đẳng. Ông đưa ra hai suy nghĩ:

+ người ta thường xem nhẹ nguy cơ đè nén các nhóm thiểu số bởi các thể chế dân chủ, vì thế không thấy sự bức thiết phải bảo vệ thiểu số. Nguyên do là ở quan niệm cố hữu và đơn giản của chủ nghĩa tự do sơ kỳ, xem chế độ dân chủ là “của dân, do dân và vì dân”, theo đó dân chủ là thể chế chính trị ít nguy hiểm hơn cả bởi một nhân dân tự cai trị thì không thể hành động chống lại các lợi ích của chính mình. Mill nhận ra rằng, dân chủ – cũng như mọi hình thức cai trị khác – đều có khả năng đè nén thiểu số bởi đa số thống trị: “nhân dân cai trị không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhân dân bị cai trị, và sự tự cai trị không phải là sự cai trị của mỗi người đối với chính mình mà là sự cai trị mỗi người bởi mọi người khác”.

+ khác với các hình thức cai trị khác, nền dân chủ không chỉ có quyền lực chính trị mà có cả quyền lực xã hội. Do đó, “công luận” do nhóm cầm quyền chi phối có thể thực thi một sự “chuyên chế của đa số”: … “một sự chuyên chế xã hội còn đáng sợ hơn so với nhiều hình thức áp bức chính trị khác”.

Vì thế, trong Các nghiên cứu về chính thể đại diện / On representative Government (1861, hai năm sau quyển Bàn về Tự do), ông chủ trương thiết lập một nền dân chủ đại diện nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị của các nhóm thiểu số bằng các định chế ổn định cũng như bảo vệ chúng bằng chính “nguyên tắc tự do” trước đây nhằm minh định các ranh giới can thiệp của xã hội.

Vậy, theo Mill, đâu là các chức năng của nhà nước dân chủ? Dù hết sức e ngại sự lạm dụng quyền lực của nó, ông không tán thành quan niệm “nhà nước tối thiểu” của chủ nghĩa tự do sơ kỳ. Song song với việc hạn định ranh giới cho nó như sẽ bàn kỹ hơn ở sau, Mill dành cho nhà nước nhiều chức năng – thậm chí có cả quyền hạn chế tự do cá nhân – để thực thi nhiệm vụ tăng cường “hạnh phúc” của nhân dân. Trong Chương V quyển Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học, ông dành cho nhà nước các quyền hạn chế tự do của công dân như sau:

1.     Nhà nước có quyền cưỡng bách phụ huynh phải cho con cái đến trường. Giáo dục và đào tạo – như sẽ còn bàn ở mục 5 – là các điều kiện quan trọng nhất cho việc thực thi thể chế dân chủ. Khai sáng bằng giáo dục là điều kiện tiên quyết cho sự tự giải phóng của con người trong tự do. Tuy nhiên, trong giáo dục, nhà nước chỉ nên có vai trò hỗ trợ. Nhà nước không tự mình nắm lấy giáo dục mà chỉ đảm bảo cơ sở tài chính và định chế để cho mọi công dân – không kể nguồn gốc xuất thân – đều được hưởng nền giáo dục tự do. Ngoài ra, nhà nước còn có nhiệm vụ hỗ trợ văn hoá, khoa học và nghiên cứu, nhất là sự phát triển các trường đại học.

2.     Nhà nước có quyền định thời gian lao động của công dân để ngăn ngừa sự bóc lột và bảo vệ sức khoẻ của người lao động.

3.     Nhà nước khuyến khích việc di dân tự do để giảm bớt áp lực dân số và các nguy cơ của nạn nhân mãn (ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của người đồng thời là Malthus).

4.     Nhà nước có quyền giám sát mối quan hệ của công dân với môi trường và với thế giới động vật, chống lại việc lạm sát và đối xử tàn bạo với thú vật. Ông đứng trong truyền thống pháp định về các “hội bảo vệ thú vật” ở Anh từ 1821.

Danh sách các biện pháp hạn chế tự do cá nhân được liên tục bổ sung theo các lần tái bản quyển Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học. Như thế, Mill không chủ trương một khái niệm tự do cá nhân vô hạn độ, trái lại, gắn chặt nó với các yêu cầu của sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của ông trước sau vẫn là nguy cơ hạn chế và kiềm toả sự phát huy “cá tính” bởi các cấm kỵ, quy ước, bộ máy quan liêu và “công luận”. Quyển Bàn về Tự do tập trung vào vấn đề này bằng cách xác định và biện minh chức năng của “nguyên tắc tự do”.

4.2 Chức năng của “nguyên tắc tự do”:

Với nguyên tắc tự do (xã hội chỉ được phép giới hạn tự do của cá nhân nhằm mục đích tự bảo vệ và bảo vệ những thành viên khác), Mill không đề ra một điều kiện đủ, hay cần và đủ mà chỉ đề ra điều kiện cần, cho phép xã hội có quyền hạn chế tự do của con người. Ông chỉ muốn nói: xã hội chỉ được giới hạn tự do cá nhân khi phải bảo vệ những người khác. Ông không nói: trong mọi trường hợp liên quan đến việc bảo vệ những người khác, xã hội có thể hạn chế tự do cá nhân. Vì thế, chức năng của nguyên tắc tự do không phải ở chỗ xác định những hành vi nào phải được xã hội kiểm soát (bằng các quy định luân lý hay pháp luật), mà là ở chỗ định nghĩa rõ lãnh vực các quyền tự do cá nhân mà xã hội tuyệt nhiên không được giới hạn dưới bất kỳ tình huống nào. Việc hiện thực hoá ba quyền tự do cơ bản nói ở trên của cá nhân – trong điều kiện giới hạn ở những con người trưởng thành và trong các xã hội văn minh – không tổn hại đến người khác, nên, dựa theo nguyên tắc tự do, xã hội không có lý do nào để hạn chế chúng cả. Vấn đề đặt ra là Mill phải chứng minh ba quyền tự do nói trên không tổn hại đến người khác. Phần biện minh ấy ta dành cho tiểu mục 4.3 ở sau.

Trong ba quyền tự do ấy, lãnh vực thuộc lối sống riêng tư – dù người khác thích hay không thích – là lãnh vực không thể đánh giá về luân lý nếu lối sống ấy chỉ liên quan đến bản thân cá nhân và không làm liên luỵ đến người khác. Mill nêu ví dụ: lối sống hoang phí là đáng trách nếu vì thế mà bỏ bê trách nhiệm với gia đình; còn sẽ không đáng trách nếu nó không làm ảnh hưởng đến ai cả! Ông dùng khái niệm “lợi ích” (Interest) để phân biệt19. Cá nhân không chịu trách nhiệm trước xã hội về lãnh vực những hành vi thuộc lợi ích trực tiếp của cá nhân. Còn lãnh vực nào có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người khác, xã hội có quyền can thiệp. (Bàn về Tự do, Chương V).

Ông hiểu “lợi ích” theo nghĩa “lợi ích chính đáng” của cá nhân lẫn của xã hội. Nhưng, thế nào là “lợi ích chính đáng” và làm sao xác định được nó? Ông bảo: đó là “những lợi ích nhất định được pháp luật quy định rõ rệt hoặc do sự đồng thuận mặc nhiên”. Chính ở đây, Mill gặp trở lại “khó khăn duy nhất và thực sự”. Thật thế, phạm vi của nguyên tắc tự do phụ thuộc trực tiếp vào việc xác định “lợi ích chính đáng”. Nếu khái niệm này được định nghĩa quá rộng về phía cá nhân hay về phía xã hội, nguyên tắc tự do sẽ mất tính chặt chẽ. Thật vậy, theo định nghĩa rộng, thái độ chính trị hay tôn giáo không phù hợp với xã hội có thể bị xem là tổn hại đến lợi ích của những người khác, do đó, phải bị hạn chế, và ngược lại.

Vì lẽ Mill phải bảo vệ các quyền tự do cơ bản đã nêu (tự do lương tâm, tự do ngôn luận, tự do trong lối sống và tự do lập hội) trước sự can thiệp của nhà nước, lẽ ra ông phải cần có một học thuyết về những quyền của cá nhân, độc lập với những quy ước của các xã hội riêng lẻ, cho phép ông nhân danh nguyên tắc tự do để ngăn cấm sự vi phạm. Học thuyết ấy phải đề ra được tiêu chuẩn để quyết định lợi ích nào là lợi ích chính đáng của cá nhân và của xã hội. Ông không mang lại một tiêu chuẩn như thế! Trái lại, còn có vẻ ông nhường cho từng xã hội xác định lợi ích chính đáng bằng các quy ước. Nhưng, nếu nhớ đến mục tiêu của ông là bảo vệ tự do của cá nhân trước “sự chuyên chế của đa số”, thì làm sao ông lại có thể nhường việc định nghĩa về lợi ích chính đáng cho từng xã hội riêng lẻ được?

Mill ý thức rõ về nan đề ấy, nhưng ông vẫn thấy không cần thiết phải đề ra một tiêu chuẩn để xác định lợi ích chính đáng của cá nhân và xã hội và tin rằng vẫn có cơ sở để bảo vệ được ba quyền tự do cơ bản nói trên. Để làm rõ điều này, ta thấy ông có thể lựa chọn một trong hai “phương án lập luận” sau đây:

1. Phát xuất từ định nghĩa về các lợi ích chính đáng của cá nhân và của xã hội. Lấy định nghĩa ấy làm tiền đề rồi dựa vào nguyên tắc tự do để xác định các quyền tự do nào là “bất khả xâm phạm”.

2. Phát xuất từ khẳng định rằng một số quyền tự do nhất định được tính vào cho các quyền tự do của cá nhân, và xã hội không được phép giới hạn. Sau đó đề ra nguyên tắc tự do để chứng minh rằng trong khuôn khổ của thuyết công lợi, các quyền tự do – được thuyết công lợi biện minh – là có lợi cho hạnh phúc tập thể và vì thế, không được phép giới hạn.

Phương án thứ nhất dựa trên quan niệm về pháp quyền tự nhiên như chủ trương của J. Locke trong Hai nghiên cứu về chính quyền (1690), cho rằng ngay trong trạng thái tự nhiên, khi chưa có sự điều tiết pháp lý giữa những cá nhân (“trạng thái chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” của Hobbes), cá nhân đã có những quyền tự do không thể xuất nhượng và vẫn phải được tôn trọng trong “khế ước xã hội” khi kết thúc trạng thái ấy. Ngay trong luận văn Tự nhiên (giữa 1850-1858) cũng như trong Bàn về Tự do (tr. 37 và tiếp), Mill đã phản đối quan niệm pháp quyền tự nhiên và lý luận về khế ước xã hội. Vì không thừa nhận “pháp quyền trừu tượng” (tr. 37) nên ông chỉ có thể lựa chọn phương án thứ hai. Nói cách khác, Mill không có công cụ lý luận nào để đặt cơ sở cho tự do và lợi ích chính đáng ngoài quan niệm về công lợi. Vì thế, ông thấy không cần thiết phải đề ra một tiêu chuẩn nhằm xác định các lợi ích chính đáng của cá nhân. Ông đòi hỏi phải tôn trọng ba quyền tự do căn bản nói trên không xuất phát từ giả định về quyền tự nhiên mà từ khẳng định rằng: việc tôn trọng và bảo vệ các quyền ấy không những không có hại mà có lợi cho xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Vấn đề còn lại chỉ là phải biện giải cho quan niệm ấy.

4.3 Biện giải và đặt cơ sở cho nguyên tắc tự do trong khuôn khổ đạo đức học công lợi

Mill dành Chương II của Bàn về Tự do để biện minh sự hữu ích của tự do lương tâm và tự do ngôn luận; dành Chương III cho sự hữu ích của tự do trong lối sống riêng. Ông không bàn nhiều về tự do lập hội vì cho rằng nó là hệ quả lôgíc của hai phần trên và đã được chứng minh đủ vững chắc. Luận điểm bao trùm của ông về sự hữu ích của tự do cá nhân là tiền đề có tính mục đích luận rằng nhân loại có một mục tiêu phát triển cần phải được hiện thực hoá. Ông không bàn nhiều về mục đích này trong Bàn về Tự do, nhưng trong tác phẩm Thuyết Công lợi, ta biết mục đích ấy là sự tối đa hoá hạnh phúc tập thể. Gắn liền với tiền đề này là quan niệm cho rằng con người, về nguyên tắc, có thể trở nên tốt hơn thông qua giáo dục và đào luyện. Với Mill, mục tiêu của tiến bộ xã hội không phải là một ảo tưởng đơn thuần mà là một lý tưởng có thể thực hiện được.

Về tính hữu ích của tự do lương tâm và tự do ngôn luận đối với hạnh phúc tập thể, Mill đưa ra hai lý do tại sao không nên hạn chế nó:

1. Nhất quán với phần triết học lý thuyết, ở đây Mill chủ trương rằng con người là có thể sai lầm. Về nguyên tắc, bất kỳ lý thuyết nào, dù được xem là vững chắc, vẫn có thể là sai. Ta không thể biết một lý thuyết là đúng mà chỉ biết rằng nó chưa được chứng minh là sai. Là bậc tiền bối của Karl Popper, Mill bác bỏ khả năng “kiểm đúng” (tức xác nhận tích cực về chân lý của lý thuyết) và tán thành khả năng “kiểm sai” (xác nhận tiêu cực về chân lý của lý thuyết rằng nó còn đứng vững trước mọi nỗ lực phê phán). Hệ luận: mọi lý thuyết đều cần được liên tục phê phán để có thể thay thế chúng bằng lý thuyết có cơ sở tốt hơn. Do đó, mọi lý thuyết phải để ngỏ cho sự phê phán, tất nhiên kể cả các lý thuyết và quan điểm chính trị. Ông cho rằng “chân lý của một tư tưởng là bộ phận của sự hữu ích của nó”, tức không cho rằng quan điểm sai, trong những hoàn cảnh nhất định, là có lợi cho xã hội hơn là quan điểm đúng. Vì lẽ chỉ có tri thức đúng đắn mới có thể có lợi cho xã hội, nên tự do lương tâm và ngôn luận là không thể bị hạn chế.

2. Trong mọi trường hợp, xã hội chỉ được hưởng lợi khi quan điểm hiện hành bị phê phán: a) nếu nó không đứng vững, ta có cơ hội thay thế nó bằng quan điểm tốt hơn; b) nếu nó đứng vững, thì sự phê phán giúp củng cố lòng xác tín sống động của ta về nó. Sự xác tín luôn bao hàm việc hiểu biết về mọi phản bác có thể có về nó; c) nếu không quyết định được đúng sai thì sự phê phán có lợi ở chỗ hai phía có thể bổ sung và điều chỉnh cho nhau. Tóm lại, “trong tình trạng không hoàn hảo của trí tuệ con người thì sự đa dạng ý kiến phục vụ cho các lợi ích của chân lý”.

Ông cũng đưa ra hai lý do biện minh cho tính hữu ích của sự tự do chọn lựa lối sống riêng đối với hạnh phúc tập thể:

1. Một mặt, quan niệm về tính có thể sai lầm của con người lẫn quan niệm về hạnh phúc cho thấy xã hội không thể giới hạn sự tự do trong việc chọn lựa lối sống và can thiệp vào lãnh vực riêng tư của cá nhân, – chẳng hạn với lý do nhằm giúp cho cá nhân có cuộc sống tốt hơn –, vì, về nguyên tắc, xã hội vẫn có thể sai lầm. Tất nhiên, cá nhân có thể sai lầm trong lựa chọn của mình, nhưng theo Mill, xác suất ấy nhỏ hơn so với xã hội. Vì thế, cá nhân phải được quyền theo đuổi quan niệm hạnh phúc của riêng mình mà không có sự can thiệp của xã hội, miễn là không làm liên luỵ đến người khác.

2. Mặt khác, tự do ấy cho lợi cho sự tiến bộ xã hội. Tiến bộ chỉ có thể có được khi mọi người đều có cơ hội thử nghiệm và trải nghiệm các hình thức khác nhau trong việc tổ chức cuộc sống. Thêm nữa, tự do chọn lựa lối sống là điều kiện cần để những cá nhân xuất sắc thực hiện các dự phóng của mình và qua đó, có thể đóng góp lớn cho tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội sẽ bị ngưng trệ khi bị tước đi quyền tự do ấy, mà hình mẫu tiêu cực của nó, theo Mill, chính là sự trì trệ của xã hội Trung quốc truyền thống.

Khuôn khổ bài viết không cho phép đi sâu vào cuộc thảo luận rất phong phú chung quanh mối quan hệ giữa “nguyên tắc tự do” và “nguyên tắc công lợi” với các ý kiến khác nhau giữa I. Berlin, G. Himmelfarb và J. Gray20. Trong khi Himmelfarb cho rằng nguyên tắc tự do là đồng đẳng với nguyên tắc công lợi nên không thể lấy nguyên tắc sau làm cơ sở cho nguyên tắc trước, thì I. Berlin nhấn mạnh rằng, nguyên tắc tự do không chỉ có một giá trị công cụ cho việc thực hiện hạnh phúc tập thể mà có giá trị riêng, độc lập với mục đích này, do đó lập luận của Mill chưa đủ vững chắc. Do tính bất định và mơ hồ của khái niệm “hạnh phúc tập thể”, nên có thể diễn ra sự xung đột giữa hai nguyên tắc (tự do và công lợi), và trong trường hợp đó, lấy gì đảm bảo rằng nguyên tắc công lợi không chiếm ưu thế và quyền tự do cá nhân lại không bị giới hạn một cách tùy tiện. Xin gác lại cuộc thảo luận này để dành chỗ tìm hiểu vài khía cạnh khác không kém lý thú và bổ ích trong tư tưởng chính trị xã hội của Mill.

5. Giáo dục

Giải phóng con người ra khỏi những “quy ước” giáo điều của xã hội – vì chúng có thể thoái hoá thành sự chuyên chế tàn bạo nhất – là nguyện vọng của Mill. Cùng với Kant, J. Dewey, ông tin rằng sự giải phóng này, về lâu dài, chỉ có thể đạt được bằng một nền giáo dục sâu rộng (universal education). Nó là đảm bảo duy nhất cho thể chế dân chủ bền vững. Vì thế, như đã nói, nhà nước có trách vụ phải đặc biệt chăm lo cho giáo dục, nhưng không phải bằng cách trực tiếp can thiệp vào tiến trình giáo dục mà bằng sự “khai sáng toàn diện” cho phụ huynh và tạo điều kiện vật chất cho “nền giáo dục toàn dân” đến tận các tầng lớp khó khăn nhất trong xã hội.

Một mặt, ta có thể nói về một nỗ lực dân chủ hoá toàn diện nền giáo dục, nhưng mặt khác, nơi ông, còn có nỗ lực xây dựng một tầng lớp trí thức ưu tú như là thành quả lôgíc của tiến trình phổ thông giáo dục. Ông gọi đó là “clerisy”, tức như một tầng lớp “giáo sĩ thế tục”, hay dễ hiểu hơn, như giới “sĩ phu” ở ta. Đây không phải là tầng lớp trí thức được ưu đãi mà là những người có học vấn vững chắc, làm đối trọng với xu hướng “cào bằng” của xã hội công nghiệp đại trà. Nhưng, cơ hội để tham gia vào tầng lớp này phải được rộng mở cho mọi người và không gắn liền với một giai cấp nhất định nào. Mill tin rằng, trong bối cảnh dân trí đương thời của nước Anh, tầng lớp “trí thức ưu tú” phải có trách nhiệm lãnh đạo xã hội mới thực hiện được yêu cầu canh tân và phát triển. Ông muốn thay thế loại “gentleman in politics” của Bentham bằng loại “scholar in politics” để đáp ứng tình thế. Ông đòi phải loại bỏ tầng lớp cai trị quý tộc dựa vào thừa kế huyết thống bằng tầng lớp trí thức độc lập, được bầu cử một cách dân chủ. Ông khiến ta nhớ đến phong trào Đông Du và Duy Tân trước đây ở nước ta!

6. Dân chủ

Theo Mill, trong bất kỳ nền dân chủ nào, giáo dục và đào tạo đều giữ vai trò quyết định. Vào thời ông, ông biết rằng quyền phổ thông đầu phiếu sớm muộn cũng trở thành hiện thực. Tất cả vấn đề là ở chỗ chuẩn bị như thế nào cho ngày đó để quyền này được sử dụng một cách thực sự hiệu quả. Khẩu hiệu của ông: “Phổ thông giáo dục phải đi trước phổ thông đầu phiếu!” (universal teaching must precede universal enfranchisement!).

Ông vững tin vào khả năng cải thiện của con người (improvability) và khả năng cải tạo thực tại bằng “lý tính tự chủ”. Đồng thời ông cũng biết rằng con đường “cải thiện và thăng tiến” là lâu dài. Vì thế, ông thấy cần tìm ra các giải pháp lâm thời cho tình hình trước mắt. Ông thấm thía rằng, về mặt giáo dục và dân trí, nhân dân lao động nước ông, xét chung, chưa đủ chín muồi cho nền dân chủ, dù ông luôn ủng hộ yêu sách chính trị của họ. Ông vừa thừa nhận nguyện vọng của họ, vừa lo âu – thậm chí sợ hãi – trước sự “bất cập” của họ. Khác với cái nhìn thiện cảm đối với giới lao động Pháp, ông càng nhìn tầng lớp lao động nước ông (Anh) bằng cặp mắt nghiêm khắc bao nhiêu, ông càng thấy yêu cầu cải cách giáo dục là bức thiết bấy nhiêu!

Ông đặc biệt căm ghét tính chất quý tộc của hiến pháp nước Anh. Ngay khi mới 19 tuổi, năm 1825, trước “Debating Society”, ông đã đọc diễn văn về hiến pháp Anh, xem nó là một “hiến pháp của bọn nhà giàu”: “nước ta là một nước tự do, nhưng là tự do theo kiểu Sparta [thành quốc hiếu chiến của cổ đại Hy Lạp]… Chúng ta là một nước cộng hoà quý tộc, thiếu sự kiểm soát của công luận”. Ông đòi phải tăng cường việc kiểm soát bộ máy hành pháp, bẻ gãy quyền lực của tầng lớp địa chủ quý tộc, nhưng không giới hạn quyền tư hữu, thiết lập chính thể đại diện để mở rộng tiếng nói của “những người đóng thuế”.

Ông nồng nhiệt tán thành quyền bỏ phiếu của phụ nữ và quyền bình đẳng giới (trong Subjection of Woman, 1869, mười năm sau quyển Bàn về Tự do). Một quyền hạn quá bình thường đối với chúng ta ngày nay, nhưng là vấn đề hết sức gai góc vào thời đại Victoria!

Ông kiên quyết chống chiến tranh và nhà nước chiến tranh kiểu Sparta. Ông là một trong những nhà chống quân phiệt đầu tiên ở nước Anh đương thời.

7. Chủ nghĩa xã hội:

Đóng góp lớn của các nghiên cứu mới đây là làm sáng tỏ quan hệ giữa Mill và chủ nghĩa xã hội. H. O. Pappé21 đã chứng minh thuyết phục rằng, khác với “huyền thoại” lưu hành lâu nay, Mill quan tâm đến “chủ nghĩa xã hội” không phải nhờ thông qua người bạn chiến đấu và người bạn đời của ông là bà Harriet Taylor. Ông cũng đến với “chủ nghĩa xã hội” không phải do tiếp cận với tư tưởng của K. Marx dù hai ông cùng sống và làm việc một nơi (London) suốt hai mươi năm trời! Hình như hai ông không biết nhau, vì không tìm thấy ghi chú nào về Marx trong toàn bộ tác phẩm của Mill.

Như đã nói, Mill không phải là nhà “cá nhân chủ nghĩa” theo kiểu chủ nghĩa tự do “Laissez-faire” hay thuyết công lợi kiểu Bentham. Khái niệm tự do bao trùm tư tưởng của ông – cũng như quan niệm của ông về công lợi, giáo dục, dân chủ… đều hướng đến xã hội. Vì thế, không ngạc nhiên khi ta đọc thấy trong lá thư vào tháng 11.1848, Mill bảo “chủ nghĩa xã hội là hòn đá tảng quan trọng nhất để cải thiện tình cảnh hiện nay của nhân loại”22. Các quan niệm cơ bản của ông về chủ nghĩa xã hội đã được hình thành trước cả cuộc cách mạng 1848 và trước ngày ra đời Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Ta có thể tìm thấy chúng trong chương “Về tương lai của giai cấp công nhân” trong quyển Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học của ông. Ở đó, ông tán thành:

- việc thừa nhận yêu sách của giai cấp công nhân có quyền bình đẳng trong lãnh vực chính trị và – như là điều kiện tiên quyết – tham gia tích cực vào sinh hoạt giáo dục và đào tạo của đất nước.

- quyền tự do liên kết của giai cấp công nhân, tức ủng hộ việc thành lập các hợp tác xã, các tổ chức công nhân và công đoàn.

- tham gia vào việc quản trị xí nghiệp bằng cách hữu sản hoá tư liệu sản xuất và tạo nên một “quỹ chung” (common fund).

- hợp lý hoá tiến trình sản xuất, giảm thiểu gánh nặng lao động của mọi người tham gia sản xuất.

- gia tăng tài sản và sự giàu có không chỉ cho một số ít người mà cho “toàn thể” mọi người lao động.

- bẻ gãy ưu quyền chính trị và kinh tế của tầng lớp địa chủ quý tộc.

Với Mill, chủ nghĩa xã hội không phải là mục tiêu gần của một sự đảo lộn xã hội, mà là một viễn tượng lâu dài hướng đến tương lai. Chịu ảnh hưởng của John Owen, ông chủ trương phải từng bước thử nghiệm “chủ nghĩa xã hội” ở các đơn vị nhỏ, có thể theo dõi được (“communities”) trên cơ sở tự nguyện. Ông chủ trương duy trì quyền tư hữu, cải thiện nó và tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia và lớn lên trong tiến trình tích luỹ tư bản. Với ông, chủ nghĩa xã hội là một đối tượng của nghiên cứu khoa học đầy thận trọng và với tinh thần phê phán, đồng thời là tiến trình thử nghiệm trong thực tiễn. Nó không phải nhất thành bất biến như một kết quả của khoa học, trái lại phải tự chứng minh sự đúng đắn thông qua tiến trình song đôi đó. Thuyết tất định về kinh tế hay lịch sử không có mặt trong thế giới quan của ông.

Đối với khái niệm về “cách mạng”, Mill cũng có một quan niệm tiêu biểu “kiểu Anh”. Ông cho rằng các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội có thể được giải quyết từng bước bằng con đường hoà bình. Ông xem trọng sự đổi mới về tư duy và luân lý như là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một “chủ nghĩa xã hội hoà bình”. Ông không gọi sự “đổi mới” ấy là “cách mạng” mà là “sự đảo lộn”. Trong thư gửi cho bí thư của “Liên hiệp công nhân quốc tế” hạt Nettingham, ông viết: “dùng chữ “cách mạng” để chỉ bất kỳ nguyên tắc hay quan điểm nào đều là trái với “kiểu Anh”. Cách mạng (Revolution) chỉ là sự thay đổi chính quyền bằng bạo lực, dù do nhân dân khởi nghĩa hay bằng đảo chính quân sự”.

8. Chủ nghĩa đế quốc

Sau tất cả những gì đã trình bày, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mill là một nhà tư tưởng kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc. Điều này xuất phát từ lập trường nguyên tắc của ông: không có dân tộc nào có quyền thống trị lâu dài một dân tộc khác; trái lại, mỗi dân tộc có quyền và có bổn phận tự cai trị chính mình. Tuy nhiên, sự “tự cai trị” (self-government) ấy, một lần nữa, chỉ thực hiện được một cách hiệu quả là khi những người cai trị phải là những “educated people” (những người có học vấn). Ông cho rằng “sứ mệnh của nước Anh” phải là người mở đường cho “tự do, dân chủ và tự-cai trị”. Về lâu dài, theo ông, “đế quốc Anh” muốn còn có lý do tồn tại phải trở thành “Cộng đồng thịnh vượng chung” của các quốc gia độc lập, hợp tác hữu nghị và hoà bình. Với tư tưởng viễn kiến ấy, ông có ảnh hưởng và tác động lớn về tinh thần trong tiến trình giải thực đối với chủ nghĩa thực dân Anh. Manfred Schlenke, trong Lời bạt cho bản dịch Bàn về Tự do sang tiếng Đức, nhận xét: “Trong lịch sử của tư tưởng tự do, Mill giữ một vị trí đặc biệt. Ông đã nhìn thấy trước rằng chủ nghĩa tự do sẽ tự đào huyệt chôn mình, nếu nó – gắn chặt với lý tưởng tư sản – cứ mãi là tên lính xung kích cho những lợi quyền tư bản chủ nghĩa. Theo Mill, chỉ bằng cách hội nhập với giai cấp công nhân và những quyền lợi của họ, chủ nghĩa tự do mới có cơ may trở thành một quan niệm chính trị mà mọi người có thể chấp nhận được và mở đường tiến bộ cho nhân loại” (tr. 179).

9. Tóm lại, đọc Mill, ta có dịp hiểu thêm về cách đặt vấn đề lẫn những chỗ mạnh, chỗ yếu vốn gắn liền với lập trường duy nghiệm và duy tự nhiên (naturalistic) trong triết học nói chung, đồng thời nhận ra các biến thái và khả năng tự điều chỉnh của “chủ nghĩa tự do” – dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong xã hội Tây phương mấy mươi năm qua – để tự rút ra những bài học bổ ích cho chính mình.
     

Bùi Văn Nam Sơn

10.2006

          trích từ tập sách TRONG NGẦN BÓNG GƯƠNG

© Diễn Đàn Forum

 

1 John Stuart Mill (1806-1874): Bàn về Tự do / On Liberty (1859); Nguyễn Văn Trọng dịch, Tái bản lần thứ I, có sửa chữa. NXB Tri Thức, 2006.

2Luy luy già toả xuất đô môn
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân, dân tộc tuỵ
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”.

Tạm dịch:

“Gông xiềng đeo nặng biệt đô môn
Khảng khái bi ca lưỡi hãy còn
Đất nước đắm chìm, nòi giống luỵ
Làm trai sao lại sợ Côn Lôn?”.

3 Các trích dẫn từ “Bàn về Tự do” trong bài này là theo bản dịch nói trên của Nguyễn Văn Trọng.

4 Giải quyết “Nghịch lý (Antinomie)” thứ ba của lý tính thuần tuý (sự xung đột giữa quy luật tất yếu của Tự nhiên và quy luật tự khởi của Tự do). Theo Kant, tuy ta không thể chứng minh tính hiện thực của Tự do bên cạnh tính tất yếu của Tự nhiên, nhưng ta có thể suy tưởng về Tự do như là song hành và không mâu thuẫn với Tự nhiên, như là tính tự khởi của ý chí, sự tự quyết của lý tính thực hành. (Vd: việc ta đưa tay lên – xét như một cử động – là “Tự nhiên”, nhưng xét như một hành động, là Tự do). Xem: I. Kant: Phê phán lý tính thuần tuý, B476-479; B560-586 (BVNS dịch và chú giải. NXB Văn học 2005, tr. 782 và tiếp).

5 Xem: Học thuyết của Hegel về Tự do, trong: Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, BVNS dịch và chú giải, NXB Văn học 2006, Chú giải dẫn nhập: tr. 531-535.

6 “Lý tính phương pháp”/“Verfahrensrationalität” (Vernünftigkeit der Prozeduren). Xem: Jürgen Habermas, Nachmetaphysisches Denken/Tư duy hậu-siêu hình học; Suhrkamp 1988, tr. 42.

7 Cách tiếp cận của Mill hoàn toàn khác với cách tiếp cận “duy nghĩa vụ” (deontology) trong đạo đức học kiểu Kant, theo đó hành vi và quy tắc hành vi được đánh giá về giá trị luân lý từ bản thân chúng chứ tuyệt đối không xét đến các hậu quả của chúng.

8 H. Sidgwick, The Methods of Ethics (1874), Indianapolis 1981, tr. 415 và tiếp.

9 J. Skorupski, John Stuart Mill, London/New York 1989, tr. 299-303.

10 T. Carlyle, Latter–Day Pamphlets, London 1850, tr. 268 và tiếp.

11 J. Bentham: “An Introduction to the Principles of Morals and Legistration” (1780); trong The Collected Works of Jeremy Bentham; J. H. Burns (ấn hành), Oxford 1970.

12 Xem: J. S. Mill; Utilitarianism, Chương V, London 1960.

13 D. Lyons, “Grenzen der Nützlichkeit: Fairneß-Argumente”/“Các ranh giới của tính công lợi: các luận cứ về sự sòng phẳng” trong: O. Höffe, Einführung in die utilitaristische Ethik / Dẫn nhập vào đạo đức học công lợi, Tübingen 1992, tr. 223-243.

14 Mill cũng chống lại “thuyết vị kỷ cực đoan” khi phê phán thuyết công lợi của Bentham. Xem: J. S. Mill: “Remarks on Benthams Philosophy”, trong: Collected Works of J. S. Mill, tr. 5-18, nhất là 12-15.

15 Chẳng hạn có thể bổ sung thuyết công lợi của Mill bằng “nguyên tắc về biên độ giảm dần của ích lợi” (Ralph Schumacher, J. S. Mill, Frankfurt/New York, 1994, tr. 130), theo đó ích lợi đối với một cá nhân không tăng theo tỷ lệ với số lượng sự vật hay hành vi có lợi cho cá nhân ấy. Nghĩa là, có một điểm, nơi đó ích lợi cho cá nhân không tăng lên được nữa và thậm chí, sự “sung sướng” sẽ bị chuyển hóa thành “đau khổ”. Vd: ta có 10 cái bánh ngọt để phân phối cho 10 người. Ta biết rằng không phải cứ ăn càng nhiều bánh ngọt thì càng thấy ngon, và do đó, ích lợi bình quân trong việc ăn bánh đạt được mức tối đa ở cái bánh đầu tiên, do đó, “hạnh phúc tập thể” chỉ có thể được “tối đa hoá” bằng cách phân phối cho mỗi người một cái bánh! Thế nhưng, đối với một số sự vật nhất định (chẳng hạn: tiền), nguyên tắc về “biên độ giảm dần của ích lợi” này lại tỏ ra không hiệu nghiệm!

16 Xem: J. S. Mill: A System of Logic, Ratiocinative and Inductive, London 1970.

17 J. S. Shapiro: J. S. Mill, Pioneer of Democratic Liberalism in England. Trong: Journal of the History of Ideas 4 (1943), tr. 127-160; dẫn theo M. Schlenke, J. S. Mill, tr. 166.

18 Xem: A. de Tocqueville: Về nền dân trị ở Mỹ, bản dịch của Phạm Toàn (NXB Tri thức sắp xuất bản), nhất là Tập II, Chương 36: Các quốc gia dân chủ nên e ngại loại chuyên chế nào?

19 Về tiêu chuẩn phân biệt “lợi ích” của Mill, xem thêm: J. C. Rees: A Re-reading of Mill on Liberty. Trong: J. Gray và G. W. Smith (chủ biên): J. S. Mill “On Liberty in focus”, tr. 169-189.

20 Xem thêm:

- G. Himmelfarb: On Liberty and Liberalism. The Case of J. S. Mill; San Francisco 1990, Chương I.

- I. Berlin: J. S. Mill and the Ends of Life, trong J. S. Mill “On Liberty in focus”, J. Gray và G. W. Smith (chủ biên), London, New York 1991, tr. 162-168.

- J. Gray: Mill’s Conception of Happiness and the Theory of Individuality, trong J. Gray và G. W. Smith (Sđd, tr. 190-211).

21 H. O. Pappé: J. S. Mill and the Harriet Taylor Myth, London 1960.

22 Dẫn theo Manfred Schlenke, Lời Bạt cho bản tiếng Đức: Bàn về Tự do, Stuttgart, 1988, tr. 176.

 

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Thử xem 1 bài về đại dịch Covid.19 và các bài học trên thế giới để đối phó.

 


 

Thử xem 1 bài về đại dịch Covid.19 và các bài học trên thế giới để đối phó.(a)

Bài từ tandfonline.

--

a.

 

bài đang chỉnh sữa.

 

Social policy as an integral component of pandemic response:

Learning from COVID-19 in Brazil, Germany, India and the United States

Scott L. Greer, Holly Jarman, Michelle Falkenbach, Elize Massard da Fonseca,

Minakshi Raj và Elizabeth J. King

 

1/ ABSTRACT

 It is easy but mistaken to think that public health emergency measures and social policy can be separated.

 

This paper compares the experiences of Brazil, Germany, India and the United States during their 2020 responses to the COVID-19 pandemic to show that social policies such as unemployment insurance, flat payments and short-time work are crucial to the effectiveness of non-pharmaceutical interventions as well as to their political sustainability.

 

Broadly, public health measures that constrain economic activity will only be effective and sustainable if paired with social policy measures that enable people to comply without sacrificing their livelihoods and economic wellbeing.

 

Tough public health policies and generous social policies taken together proved a success in Germany.

Generous social policies uncoupled from strong public health interventions, in Brazil and the US during the summer of 2020, enabled lockdown compliance but failed to halt the pandemic, while tough public health measures without social policy support rapidly collapsed in India.

 

 

In the COVID-19 and future pandemics, public health theory and practice should recognise the importance of social policy to the immediate effectiveness of public health policy as well as to the long-term social and economic impact of pandemics.

 

2/ Introduction

In assessments of responses to the COVID-19 pandemic, there has been a strong focus on comparing the strictness of non-pharmaceutical interventions (NPIs) such as business closures, travel restrictions, or masking, across countries and on the operation of testing, tracing, and isolation systems

 

Each of these public health policies, crucial to controlling any outbreak in the absence of widespread vaccination, imposes costs on individuals and businesses.

Those costs can undermine individual willingness to comply as well as political support for public health measures.

 

We ask if social policies are necessary to support the adoption and sustainability of public health policies.

Our hypothesis is that the ‘pre-existing social policies of the country as well as the ones enacted specifically to respond to the COVID-19 challenge will shape the extent of compliance with public health measures

The comparative politics of COVID-19: The need to understand government responses. 

 

To understand the relationship between social policies and public health we employ a conceptual framework drawn from prior empirical analysis of state responses and informed by prior work in the fields of global health policy and political science Governments taking coercive actions use their authority to restrict the behaviour of individuals, organisations and businesses.

 

Social policy refers to policies that are ‘beneficent, redistributive, and concerned with economic as well as non-economic goals’ which effectively means the welfare state including health care, pension, family, educational, and similar policies.

 

We separate out healthcare in this analysis, using social policy to refer to all the other areas of policy which enable compliance with public health measures.

 

In the case of COVID-19, especially relevant social policies include automatic stabilisers such as unemployment insurance as well as specific actions including eviction moratoria, universal cash transfers, distribution of free food, support for small businesses, worker protections and short-time work in which the government finances payroll for firms so that they do not need to lay off employees for whom there is no work due to the crisis (kurzarbeit).

The thesis that social policy is required to support pandemic response is encapsulated in phrases such as ‘test, trace, isolate’ or ‘test, trace, isolate, support’.

What do countries need to do to implement effective ‘find, test, trace, isolate and support systems? or the idea that ‘compliance requires not just things like good communication and trust, but also a political economy that permits people to stay at home without starving’

 

We can distinguish a ‘social policy baseline’ predating the pandemic from specific actions taken in response to the pandemic and to support public health policies.

Thus, unemployment insurance for formal workers is an automatic stabiliser, but additional top-up payments for it could be an additional crisis response policy.

Many countries enacted additional social policies during the pandemic, generally temporary ones, but the need for such policies could logically be lesser if they already had well-funded and effective social policies in place.

 

3/ Materials and methods

 

We analyse the experiences of four countries in the global first wave of COVID-19 from the arrival of the disease until November 2020: Brazil, Germany, India and the United States.

There are not enough countries in the world to conduct frequentist statistical analyses, which is why we exploit the richness of case studies to understand the reciprocal interactions of policies, societies, and the virus.

 

We selected these countries to represent different policy responses to the pandemic among countries with different background fiscal and economic situations but enough decision space to enact social policies.

Our case selection approach is what Skocpol and Somers’ classic comparison called the ‘Parallel Demonstration of Theory’ and the ‘Macro-Causal Analysis’ approaches, in which a broad theoretical hypothesis (in our case, that emergency response rests on successful social policy) is tested in a range of cases, but combined with experiences learned on the ground.

 

It is part of the intellectual lineage of John Stuart Mill's method of difference, in which finding similar outcomes (or mechanisms) in otherwise different cases allows us to infer the cause from whatever they do share.

 

We selected four large and complex countries, with an aim towards geographical diversity, that were all experiencing the COVID-19 pandemic in spring 2020.

Two of the countries are middle-income and two are higher-income ones, reflecting our interest in states with the capacity to enact significant social policy measures.

They are also geographically diverse and all saw significant COVID-19 in the first wave.

In the discussion section, we address some of the limitations this entails.

 

Conceptually, strong social policy responses invest significant resources in managing shocks such as those associated with the pandemic.

 

 

This could mean, for example, increasing the investment in existing labour policies or creating new programmes to support the unemployed.

 

Strong public health policy responses involve early major NPIs as well as construction of an effective TTIS system.

These initiatives should be as strong as, or stronger, than WHO guidelines and coordinated at the highest level (given that our cases are large federations).

Our operationalisation of strength and weakness is qualitative.

As with any social policy, use of aggregate numbers to represent social policy priorities and effectiveness is difficult. In many cases, cross-nationally comparable data do not exist, and even when they do, details of targeting and priorities (e.g. who exactly received income support) are rarely available with the specificity and comparability we would want.

 

Table 1 presents the size of both specific COVID-19 related expenditure and some statistics that imply the baseline of public social policy expenditure for our four cases.

The best data on social policy baselines, from the OECD SOCX dataset, is only available for two of our cases (Germany and the US).

Government expenditure as a percentage of GDP is obviously problematic since it includes non-social-policy expenditures of all sorts, but we report it to give a sense of the general size of government, and we report health (almost entirely healthcare) expenditure according to the World Bank to give a sense of the size of social expenditures in the absence of cross-nationally comparable social policy data outside the OECD states.

 

 

Table 1. Basic indicators of social policy baseline and response.

As evident from the compromises required to produce and read Table 1, it is difficult to compare quantitative data. Thus, our judgements on the social policy baselines and responses are informed by country-specific policy literature, including media and grey literature, and emphasise the intended targets and programme design rather than raw sums of money, given that even big and well-measured sums can be directed in ways that are only indirectly related to social policy (e.g. support to businesses).

 

Figure 1 maps out our cases. The United States and India had erratic trajectories in 2020 such that we can effectively count them as two different cases. The United States enacted a strikingly large social policy response and then let it expire in autumn 2020 without having developed an effective public health response. India enacted a large-scale national public health response and then let it lapse, with many of its federal states failing to manage public health responses. We, therefore, place both countries in two different cells. 

 

Figure 1. Presentation of our cases. Source: authors’ coding.


4/ Results

In each of our four cases, the interaction and articulation of public health and social policies were crucial to the success of emergency public health measures and management of the pandemic in its first six months, from March to the end of September 2020.

5/ The United States

The United States in 2020 combined a public health debacle with a social policy roller-coaster, in which it started with an inegalitarian social policy and society, briefly adopted a nearly European welfare state, failed to build an effective public health response, and then let its social policy response lapse.

 

A series of stopgap spending measures maintained some emergency social policies to the end of 2020 before large-scale legislation in 2021.

 

The federal government, unlike state and local governments, had the borrowing capacity to lead both public health and social policy responses.

 

While its public health response has been abundantly critiqued, its social policy response in March was on a scale comparable to the most responsive European welfare states and innovative in its use of policy tools.

 

The result was a likely reduction in poverty. This was not matched by stringent nationwide NPIs or the construction of a useful test-trace-isolate-support programme.

 

The extraordinary social policies expired in late summer, leaving the United States in a difficult position by autumn.

 

One might have initially feared that the United States would have adopted a strong public health response without corresponding social policies to buffer the effects of coercive actions; instead, the United States adopted the social policies without the public health policies, let the social policies expire, and entered the winter of 2020–2021 with weak public health and ad hoc social policies.

 

 

 

The United States federal system lodges the ‘police powers’ to impose NPIs primarily at the state level, and it was at the state level that most NPIs took place.

State and local governments are economically competitive and bound by balanced and other budget rules which tend to make their fiscal policy impact procyclical.

 

Their situation gave them considerable incentives not to invest in extensive public health infrastructures or enact or maintain NPIs. In some, such as Michigan and Wisconsin, partisan state courts deprived governors of their coercive powers in mid-pandemic.

 

The federal government had both more substantial legal and public health resources to create a TTIS system – and vastly larger ability to finance social policy measures.

 

Under Trump, it did not use these public health resources, let alone explore its legal authority for effective national NPIs.

 

 

5.1/ Social policy baseline

United States social policy is fragmented and ungenerous by the standards of most rich welfare states, with a bias towards education spending rather than social support, and its spending is distorted by a fragmented, non-universal, and expensive health care system that connects health insurance to employment.

The only near-universal benefits are for people over 65, who can receive health care and a limited pension; other benefits are generally means-tested, vary by state, delivered in complex ways, and ungenerous

 

Weak and fragmented social policy is one reason why the United States has a high level of racial, income and wealth inequality as well as poverty. For example, 17.5% of its children lived in poverty in 2017 and 10.5% of households experienced food insecurity at some point in 2019

 

– both years when unemployment was strikingly low.

 

Inequality and poverty might help to explain why the United States, unusually for a rich country, had seen several years of declining life expectancy even before the pandemic.

5.2/ Social policy in pandemic response

Initially, state governments adopted highly variable NPI measures

 

The federal government, meanwhile, dominated social policy since states lacked the fiscal resources to adopt major social policy responses.

The federal government responded with enormous aid to individuals as well as firms, most notably authorised in legislation called the CARES Act

CARES Act includes essential measures to respond to public health, economic crises, but more will be needed. Center on Budget and Policy Priorities. 

In total, the federal government authorised over two trillion dollars ($2,000,000,000,000) additional expenditure on pandemic response in March and April alone, about 10% of GDP

 

(by the end of the year, it was around 13.2%; Table 1).

Salient components included aid to individuals (a flat $1200 per adult and $500 per child), a large increase in normal unemployment insurance benefits coupled to expanded eligibility, aid to companies, and a remarkable adoption of a variant short-work scheme in which firms could receive loans that amounted to grants if they were used to pay staff who were not working, called the Paycheck Protection Program (PPP).

 

In other words, the United States, for a few months, had something like a northern European welfare state, with flat payments to citizens, enhanced unemployment insurance, and a widespread short-work scheme as well as an eviction moratorium. The novelty of this period in the context of American social policy history is not always appreciated.

 

Data on the impact of federal action must be treated with some care because pandemic-related disruption might have interfered with sampling, but it nonetheless appears that the United States simultaneously experienced the largest increase in unemployment in its recorded history (a 14% increase in April 2020 alone) and a remarkable 21% reduction in its poverty rate

While household savings rates increased, state and local governments were often surprised to find smaller budgetary gaps than they had initially planned, in part because overall economic activity did not drop as much as they expected and in part because CARES Act funding for pandemic response took pressure off of other budget lines.

 

While NPIs in the United States were highly variable in length, content, and seriousness, the CARES Act did permit a massive reduction in economic activity and mobility with limited damage to household wellbeing.

 

Households, enabled by these social policies, vastly reduced their mobility, with the populations of many states voluntarily reducing interactions even when their governments chose only weak NPIs.

 

In late summer, however, the most important of these temporary packages expired amidst a high-stakes election campaign. Their expiration exacerbated pressure on NPIs (from people, businesses, and governments losing revenue)

 

5.3/ Interaction of social policies and pandemic response

The expiry of most CARES Act provisions over August and September 2020 reflected the initial assumption by policymakers that the federal government would effectively manage the COVID-19 pandemic and the country would resume normal economic life in autumn 2020.

 

That assumption was sadly mistaken. The non-renewal of extraordinary social policy measures meant that the United States faced autumn 2020 and its economic disruption with little COVID-specific federal social policy and a pre-existing social policy baseline not equipped to respond to smaller problems than the pandemic.

Given the continuing spread of the virus, it also meant that the economic damage would likely ramify, since even without stringent NPIs traffic in large areas of the economy was down as people eschewed businesses such as bars, restaurants, physical retail and travel.

 

The United States briefly created an extensive safety net in the summer of 2020. That might have enabled coercive measures sufficient to control the virus, but the federal government and most state governments failed to sustain it or match it with public health measures sufficient to restore anything like a normal economy by autumn 2020.

 

By October, therefore, the United States was trapped in a highly partisan debate about the value of NPIs, the White House Chief of Staff told CNN that ‘we are not going to control the pandemic’ (Cole, 2020Cole, D. (2020, October 23). White House Chief of Staff: “We are not going to control the pandemic”. CNN.), public health infrastructures were largely overwhelmed, and the summer's limited economic progress was at risk.

 

6/ India

India was initially noteworthy for its stringent public health response to the pandemic. Its federal government failed, however, to coordinate economic and social versus health priorities and lifted the country-wide lockdown, leaving states responsible for managing their pandemic response.

 

Social policy action was primarily left to the central government while states initiated individual, small-scale social policies to manage population needs.

Ultimately social policies failed to address individuals’ frustration about restrictions on working and fulfilling essential needs – food, housing, and money.

By late autumn India faced uncontrolled spread as well as economic damage and serious social consequences of the NPIs and pandemic, particularly among the poor.

India’s federal system warrants its 28 states to have their own legislatures which can make laws regarding criminal justice, education, health taxation, public order, lands, and forests.

Once a state of emergency has been declared, the central government has the authority to temporarily assume executive and financial control of a state.

6.1/ Social policy baseline

India’s population is estimated at over 1.3 billion with people residing in different formal and informal housing environments, across rural and urban regions, and spanning a variety of topographies.

 

India has made significant strides in reducing poverty; over 640 million people in the country were considered impoverished in 2005, and that number was roughly 365 million in 2017.

 

India lifted 271 million people out of poverty in a decade. The unemployment rate in India was at roughly 6% prior to the pandemic and the government has launched several policies since the 1970s to reduce unemployment ranging from skills training for youth and programmes to foster entrepreneurship

The 2005 National Rural Employment Guarantee Scheme has been pivotal in guaranteeing wage employment to adults agreeing to do manual labour

(e.g. building roads)

 

6.2/ Social policy in pandemic response

 

India’s central government announced a complete national lockdown on March 24 with unified implementation across the states, varying primarily in enforcement of the lockdown.

 

However, once the national lockdown was lifted in May to enable movement of migrant workers from their place of work to their home and to revitalise the economy

 

The effectiveness and coherence of the national effort eroded quickly.

Individual states such as Odisha, Punjab, Maharashtra, Karnataka, West Bengal, and Telangana had individually extended their lockdowns

Although the central government exerts financial control including allocation of funds to states, states have the authority to manage epidemics and disasters.

One of the major centralised social policy actions in India was Finance Minister Nirmala Sitharaman’s announcement of a Rs 20 lakh crore (307 billion USD) stimulus package in March 2020 following the national lockdown.

 

Funding (roughly $24 billion USD) was intended to support all individuals with food and cooking gas. 

However, the direct cash transfers – intended to avoid delays – did not reach everyone because of complications with identification processes, inter-state travel, and challenges with identifying individuals residing in informal housing environments

 

The stimulus package was successful at enabling people to survive in a temporarily frozen economy, but only among those the money actually reached.

 

States took on responsibility for social actions first in extending their individual lockdowns and then in their management of compound threats.

 

 

For instance, Kerala, Karnataka and Odisha had implemented state-level lockdowns before the national lockdown. Others followed suit and extended their lockdowns after the national lockdown was lifted.

 

However, enforcement varied across states and compound threats informed differences in prioritisation across the country.

 

For example, West Bengal’s cyclone Amphan in mid-May sparked the rapid deployment of relief teams.

 

Nevertheless, thousands were left homeless due to the cyclone and had to decide between staying endangered in what was left of their homes or relocating to cyclone shelters where infection could spread.

 

After the national lockdown ended, states made decisions about lockdowns, which created confusion about which states had extended lockdown and which hadn’t, resulting in individual violations as well as the commencement of large gatherings.

6.3/ Interaction of social policies and pandemic response

Even though many states and even the central government’s public health response was strong, we observe barriers to the effect of social policy actions on public health in India: the lack of standardised social policies across the country and barriers to social policy actions such as the stimulus package actually reaching everyone.

 

Community groups – such as the Sikh community – in various states took it upon themselves to make food available to community members through the langar, or community kitchen. 

 

As marketplaces also began opening up to provide food and other necessities to communities, these places became crowded gathering areas.

 

Sustaining a lockdown was challenging without a means of enabling people to stay in their homes. Social distancing measures became secondary to the need for essential items.

Individuals must acquire essential items, requiring that they go to often crowded areas to buy groceries and other items, and many must work.

Health care organisations are undergoing salary cuts and doctors have left their positions, leaving communities – especially those at risk of needing high volume health care – in a vulnerable position without providers

 

 

Moreover, there was no way to assess in such a vast, populated country who actually received their stimulus money and who did not. As a result, the well-intentioned centralised social policy did not leave states with enough information to provide stimulus funds of their own outside of facilitating employment.

7/ Brazil

Brazil’s story resembles that of the United States in the summer of 2020 in some ways, combining a strong social policy intervention with fragmented and politicised public health policies in which the federal government was otiose if not actively unhelpful. 

 

Its social policy actions were not as tightly connected to the pandemic, however, and remained in place after the US social policy response had collapsed.

 

In Brazil, the Ministry of Health (MoH) has the responsibility of coordinating health policies, particularly during public health crises.

 

The state and local governments, through 438 regional healthcare areas, are in charge of administering Brazil’s public health system.

 

Although coordination at the central level was seen in HIV/AIDS, Zika, H1N1 influenza, and other national health crises, COVID-19 was different.

 

At the outset of the pandemic, the MoH acted promptly in alliance with several subnational governments.

However, after the return of president Bolsonaro from a visit to the U.S. in mid-May, the promulgation of denialist, anti-science statements began, apparently in coordination with those of President Trump.

 

In the absence of a strong, central public health response, state governments ended up taking responsibility for NPIs. The strong central social policy response, though, enabled what NPIs were adopted and limited economic damage.

 

7.1/ Social policy baseline

COVID-19 struck Brazil during an economic crisis

 

Responding to COVID-19 in Brazil demanded increased social expenditure against a backdrop of austerity policies, high unemployment rates, and social inequalities.

 

Nearly half of Brazil's population lives in poverty (less than US$5.50 per day, PPP) or is vulnerable to falling into poverty; therefore, Brazil’s population is particularly susceptible to the negative socio-economic consequences of the COVID-19 pandemic

 

Social policies to protect the poor, informal workers, and the unemployed would be crucial in Brazil.

 

Brazil has one of the world’s most successful conditional cash transfer programmes, known as the Family Allowance Program

Effect of a conditional cash transfer programme on childhood mortality: A nationwide analysis of Brazilian municipalities.

 

In 2020 Brazil provided one of the most generous social assistance packages in the Latin American region, despite its unhealthy fiscal condition.

7.2/ Social policy in pandemic response

During the pandemic, the government promoted adjustments to the Family Allowance Program, and also created a new social programme to provide salary relief to vulnerable populations: the Emergency Allowance (Auxilio Emergencial), also known as ‘coronavoucher’.

 

Notably, Brazil also created the Emergency Labor Program, designed to allow the reduction of labour hours for 90 days or temporary suspension of labour contracts for 60 days.

 

During that time the government would either complement the salary or, in the case of contract suspension, cover the full unemployment insurance.

Here we focus on the Family Allowance and the Emergency Allowance as these were the two most important social programmes implemented in Brazil during the pandemic, and are seen as exemplary counter-pandemic measures

 

The programme was announced mid-March 2020 after strong pressure on legislators from the Ministry of Economy.

 

Initially, the executive government announced a R$200 allowance (US$37) per month which, after a debate in Congress, was increased to R$600 (US$110)

 

In May, the government came under further pressure to extend the allowance for additional months. Again, there was a dispute between the Minister of Economy and Congress. The former suggested an increase of the allowance by R$200 (US$38) per month for an additional two months.

 

Ultimately, in September, a presidential decree extended payouts by another three instalments of R$300 (US$55.83).

 

Enrolment could be done through the Government Single Registry of Social Programs (CadUnico, acronym in Portuguese), which consolidates information on families receiving social benefits, or through an online registration of new beneficiaries (ExtraCad).

 

More than half of the beneficiaries were not registered in any social programme. This created additional challenges, e.g. how to identify and verify the eligibility of these new entrants.

 

Brazil adopted a fully online strategy to enrol new individuals, but not all vulnerable people had access to the internet or a cell phone.

 

Additionally, problems with incomplete applications or documentation had to be solved in person, which led to long waiting lines in social security offices and banks throughout the country.

 

 

7.3/ Interaction of social policies and pandemic response

 

The impact of the programme is impressive. As a result of the Emergency Allowance, poverty fell to a historic low of 50 million people, the lowest level since the 1970s. Poverty reduction was higher in poorer northern and northeastern states

 

Beneficiaries of the Emergency Allowance had the lowest rates of social distancing.

 

In August, 6.15% of this group was in full at-home lockdown, while 40.7% reported to be remaining at home and leaving only for basic necessities. These numbers are below the average for the Brazilian population.

 

Thus, while social policy influenced income levels, the poor demonstrated lower levels of adherence to social distancing measures imposed in response to the pandemic.

 

A possible explanation of these findings is that social programme beneficiaries tend to work in service or informal jobs, which by their very nature, do not allow for as much implementation of social distancing measures

 

As the Emergency Allowance will end in December 2020, it is expected that 16 million people will return to poverty).

 

Brazil’s impressive social policies were not designed in agreement with the MoH.

 

Brazil’s response to COVID-19 was highly uncoordinated within the executive government, which contributed to poor compliance with NPIs.

Ironically, despite Bolsonaro and his economic minister’s initial reluctance to increase public expenditure, the popularity of the president increased considerably as social policies were implemented (a term record of 37% good/excellent)

Whether this was serendipitous, or a shrewd political strategy, is unclear.

 

8/ Germany

Germany shows how substantial social policy actions benefit the economy not only on a macro level, but also on a micro and individual level. The Eurozone's biggest economy put together an aid package of historic proportions

 

This package controlled unemployment and protected vulnerable groups such as single parents, pensioners and children were adequately and quickly protected without tremendous bureaucratic barriers and businesses large and small were sufficiently supported.

 

Effective social policy enabled effective public health policy.

 

In the federal republic of Germany, the Robert Koch Institute (RKI) is the national authority for the prevention of communicable diseases.

 

The RKI works with the responsible authorities on the federal and Länder level to develop and implement epidemiological and laboratory-based analyses as well as research on the cause, diagnosis and prevention of communicable diseases; however, the nationwide infection protection law Infektionsschutzgesetz assigns the 16 German Länder the task of determining and implementing specific measures

 

During the corona pandemic, this resulted in divergent measures and regulations as every Land had different rules to physical distancing, mask wearing and gatherings.

 

8.1/ Social policy baseline

 

Germany might not be the most egalitarian society in Europe, but is the most equal society of the four that we discuss here, with substantially lower income, wealth, and, in most cases, racial inequities.

It also has the most extensive and developed welfare state and public administration of the four with fiscally stronger federal states (Länder) and a high degree of shared rule between federal and state governments in the context of a national party system.

 

These make its policies and institutions more resilient in crises.

Notably, Germany has strong automatic stabilisers such as income support programmes and unemployment insurance, which limit the effects of downturns on peoples’ lives and the broader economy.

 

8.2/ Social policy in pandemic response

 

The public health measures implemented by Germany to fight the pandemic resulted in a multitude of social, economic and political collateral and consequential damages.

To alleviate these losses, the government established substantial social policy actions including two social protection packages with the goal of cushioning the social and economic consequences of the corona pandemic.

 

On 22nd March, federal Chancellor Angela Merkel took control by coordinating all of the Länder in a nationwide contact ban as well as the closure of all restaurants, bars, cafes and businesses in the field of personal care (hairdressers, tattoo studios, etc.) Pressekonferenz von Bundeskanzlerin Merkel zu der Besprechung mit den Regierungschefinnen und Regierungschefs der Länder zum Coronavirus.

 

These stringent NPIs and other pandemic-related economic shocks created problems which social policy was intended to address. On 25th March, the German federal government put together a protective shield for employees, self-employed and companies in the largest aid package in the history of the Federal Republic

This financial aid umbrella helped secure necessary social policy action throughout the country resulting in less unemployment

 

Arbeitslosenquoten in den Mitgliedsstaaten im August 2020. On 27th March, the social protection package was implemented. This consisted of measures simplifying the process to attain additional benefits such as child allowances, grants for social services, continued employment after retirement and it extended the maximum duration for marginal employment

 

While other countries such as Austria increased the bureaucratic hurdles people in need had to jump through to receive aid, Germany made things less challenging.

 

Access to additional subsistence benefits and child allowance was simplified, further grants for social services were made available and additional earnings for people in ‘Kurzarbeit’ were made possible.

 

On 28th April, the Social Protection Package II was implemented wherein the social protection in the event of short-time work and unemployment as a result of the COVID-19 pandemic was improved.

These measures included improved conditions for short-time work benefits, an extension of entitlement to unemployment benefits, warm lunches despite closings due to the pandemic and improvements to the Social Service Provider Employment Act (SodEG) thereby ensuring the continued payment of orphan's pensions.

 


 Further financial protection measures for individuals included the child bonus, the child allowance, support for single parents, Kurzarbeit money and basic security

 

These measures essentially expanded the existing programmes making more money available to particularly vulnerable groups (children, single parents and those with limited incomes).

 

The Corona aid for commercial and freelance companies was the largest aid package of its kind whose paramount goal was to support businesses of all kinds including start-ups, large businesses, SME’s as well as small (under 10 employees) businesses, the self-employed and freelancers.

 

A total of €70.4 billion in corona aid had already been approved as of 13 October 2020). The money has been allocated to everything from an economic stabilisation fund, quick credits, special programmes, merchandise credit, insurances and export credit guarantees to tax measures.

 

 

8.3/ Interaction of social policies and pandemic response

Germany's emergency social policy showed results. Administrative burdens were limited, aid was targeted across most categories (individuals, families, businesses of all sizes and infrastructure) and the unemployment rate did not drastically increase (as was the case in other countries) Soforthilfe, immediate (financial) help, was intended to speed disbursement of funds and limit administrative burdens.

 

The federal government provided €50 billion of easily available emergency aid for small businesses, self-employed and freelancers to cover operating costs for three months and they do not have to be repaid.

Thanks to the comprehensive aid package for commercial and freelance companies the unemployment rates increased compared to 2019 but did not do so substantially. In September of 2019, the unemployment rate in Germany was 4.9% and by September 2020 it increased to 6.2%

 

According to the last available figure from August, 4.5 million people are receiving these short-time work benefits

In fact, for the first time since the beginning of the coronavirus crisis, unemployment in Germany has fallen.

According to the Federal Employment Agency, 108,000 fewer people were unemployed in September than in August However, the balance looks less favourable compared to the previous year: In September 2019, 613,000 more people were employed than in September of this year.

 

9/ Discussion

 

While a strong public health response is arguably the most important and necessary step in addressing the urgent infectious threat, like COVID-19, it will not be sufficient to meet the short-term consequences and the longer-term impacts that disease control measures may have.

 

As the case studies of Brazil, Germany, India and the United States demonstrate social policy matters for pandemic response and alignment between social policy and public health policy is crucial.

 

Even if there are clear historical and political reasons why Angela Merkel's Germany was more politically inclined to supportive social policy than the Brazil of Bolsonaro, the India of Modi or the United States of Trump, recognising the need for social policy can affect advice and decision-making.

 

Paying attention to the social policy responses allows for a more nuanced glance at the social determinants of health.

 

Underlying social and economic inequities exacerbate the health risks associated with the virus and are at risk of expanding if social policies are not implemented.

Understanding the intersection between public health and social policy is also important because social policy is not only a way to address the short-term public health threat of COVID-19 but can also be an opportunity to address underlying social and economic inequities.

 

Social policies are crucial in the short term, as they allow people to afford to comply with recommended and mandatory NPIs. Social policies are likely to continue to support people during the long-lasting hardships that individuals, organisations, and communities will likely face.

 

The duration of the COVID-19 pandemic means that social policy is also shaping the long-run consequences of the pandemic.

Instead of a clearly defined period of emergency followed by recovery and ‘lessons learned’ reports, COVID-19 is a long-running crisis in which emergency measures might last for years.

In particular, social policies taken in the context of emergency can shape the trajectory of a country’s recovery by determining whose losses are compensated and whose are not.

 

Our analysis has a number of limitations. The first is that our research strategy, which is designed to identify a similar dynamic across countries as well as across time within the countries that changed approaches, is better suited to finding similarities rather than identifying scope conditions.

One obvious scope condition, though, is that the ability to rapidly enact social policy is not universal – not all countries have the money or state capacity, regardless of their politics. 

The second limitation, therefore, is that our hypothesis is broadly less likely to be relevant in lower-income countries as well as some middle-income countries with weakly developed social policy and large informal workforces

Political distrust and the spread of COVID-19 in Nigeria.

Another obvious scope condition is that some states may be able to achieve compliance with public health by applying coercion in place of enabling social policies.

That leads to the third limitation, which is that it seems a few authoritarian regimes (notably Vietnam and the People’s Republic of China) were able to ensure compliance with NPIs despite weak social policy. 

 

It is not clear that many regimes in the world have such a combination of authoritarian capacity and lack of popular democratic accountability; many authoritarian regimes saw poor compliance with NPIs in 2020 (and Vietnam largely kept the pandemic out in 2020, which reduced the need for broad NPIs and supportive solicy policy).

 

The fourth, finally, is that some countries that otherwise have little in common were able to ensure compliance with NPIs despite limited social policy measures. 

As far as we can tell, this was because they managed to control the pandemic inside their borders when there were only a few cases. Australia, Hong Kong, Mongolia, New Zealand, South Korea, Taiwan, and Vietnam, and arguably the People's Republic of China and Singapore were able to move quickly enough that long-lasting and socially or economically harmful NPIs were not required in most of 2020, which meant that their economies could function more or less normally and there was less damage for NPIs to redress.

 

The success and failure of public health emergency response depend on its alignment with social policy. Separating social policy and public health, in theory or in practice, undermines both, and heightens the risk that both will fail. Policymakers discussing pandemic response strategies now or in the future should pay close attention to social policy supports for their strategies in the face of public health emergencies.

 

Chính sách xã hội như một bộ phận cấu thành của ứng phó với đại dịch:

Học hỏi từ COVID-19 ở Brazil, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ

 

Scott L. Greer, Holly Jarman, Michelle Falkenbach, Elize Massard da Fonseca,

Minakshi Raj và Elizabeth J. King

 

 

1/ BẢN TÓM TẮT

 

Thật dễ dàng nhưng nhầm lẫn khi nghĩ rằng các biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng và chính sách xã hội có thể tách rời nhau.

 

Bài báo này so sánh kinh nghiệm của Brazil, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ trong các đợt phản ứng năm 2020 đối với đại dịch COVID-19 để cho thấy rằng các chính sách xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, trả lương cố định và làm việc trong thời gian ngắn là rất quan trọng đối với hiệu quả của việc phi các can thiệp dược phẩm cũng như tính bền vững chính trị của chúng.

Nhìn chung, các biện pháp y tế công cộng hạn chế hoạt động kinh tế sẽ chỉ hiệu quả và bền vững nếu được kết hợp với các biện pháp chính sách xã hội cho phép mọi người tuân thủ mà không phải hy sinh sinh kế và phúc lợi kinh tế của họ.

 

Các chính sách y tế công cộng khắt khe và các chính sách xã hội hào phóng được thực hiện cùng nhau đã chứng tỏ một thành công ở Đức.

Các chính sách xã hội hào phóng không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp can thiệp mạnh mẽ về sức khỏe cộng đồng, ở Brazil và Mỹ trong mùa hè năm 2020, đã cho phép khóa chặt việc tuân thủ nhưng không ngăn chặn được đại dịch, trong khi các biện pháp y tế công cộng cứng rắn mà không có sự hỗ trợ của chính sách xã hội nhanh chóng sụp đổ ở Ấn Độ.

 

Trong COVID-19 và các đại dịch trong tương lai, lý thuyết và thực hành y tế công cộng cần thừa nhận tầm quan trọng của chính sách xã hội đối với hiệu quả tức thời của chính sách y tế công cộng cũng như đối với tác động kinh tế và xã hội lâu dài của đại dịch.

 

2/ Giới thiệu

 

Trong các đánh giá về phản ứng đối với đại dịch COVID-19, người ta tập trung nhiều vào việc so sánh mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp can thiệp phi dược phẩm (NPI) như đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại hoặc che mặt, giữa các quốc gia và hoạt động thử nghiệm, truy tìm và các hệ thống cách ly

 

Mỗi chính sách y tế công cộng này, rất quan trọng để kiểm soát bất kỳ đợt bùng phát nào trong trường hợp không có tiêm chủng rộng rãi, đều đặt ra chi phí cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Những chi phí đó có thể làm suy yếu sự sẵn sàng tuân thủ của cá nhân cũng như sự ủng hộ về mặt chính trị đối với các biện pháp y tế công cộng.

 

 

Chúng tôi hỏi liệu các chính sách xã hội có cần thiết để hỗ trợ việc áp dụng và tính bền vững của các chính sách y tế công cộng hay không.

Giả thuyết của chúng tôi là ' các chính sách xã hội đã có từ trước của quốc gia cũng như các chính sách được ban hành đặc biệt để ứng phó với thách thức COVID-19 sẽ định hình mức độ tuân thủ các biện pháp y tế công cộng '

 

Việc so sánh các chính sách về COVID-19: Sự cần thiết phải hiểu các phản ứng của chính phủ. .

 

Để hiểu mối quan hệ giữa các chính sách xã hội và sức khỏe cộng đồng, chúng tôi sử dụng một khung khái niệm được rút ra từ phân tích thực nghiệm trước đây về các phản ứng của nhà nước và được thông báo bởi những người làm việc trước đây trong các lĩnh vực chính sách y tế toàn cầu và khoa học chính trị. Các chính phủ thực hiện các hành động cưỡng chế sử dụng quyền hạn của mình để hạn chế hành vi của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

 

Chính sách xã hội đề cập đến các chính sách 'mang lại lợi ích, tái phân phối và quan tâm đến các mục tiêu kinh tế cũng như phi kinh tế', có nghĩa là hiệu quả trạng thái phúc lợi bao gồm chăm sóc sức khỏe, lương hưu, gia đình, giáo dục và các chính sách tương tự.

 

Chúng tôi tách riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong phân tích này, sử dụng chính sách xã hội để đề cập đến tất cả các lĩnh vực chính sách khác cho phép tuân thủ các biện pháp y tế công cộng.

 

Trong trường hợp COVID-19, các chính sách xã hội có liên quan đặc biệt bao gồm các biện pháp ổn định tự động như bảo hiểm thất nghiệp cũng như các hành động cụ thể bao gồm đuổi nhà chuyển tiền toàn dân, phân phối thực phẩm miễn phí, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ người lao động và làm việc trong thời gian ngắn mà chính phủ tài trợ trả lương cho các công ty để họ không cần phải sa thải những nhân viên không có việc làm do khủng hoảng ( kurzarbeit ).

 

Luận điểm cho rằng chính sách xã hội được yêu cầu để hỗ trợ đối phó với đại dịch được gói gọn trong các cụm từ như 'kiểm tra, theo dõi, cô lập' hoặc 'kiểm tra, theo dõi, cô lập, hỗ trợ'.

 

Các quốc gia cần làm gì để triển khai các hệ thống hỗ trợ 'tìm kiếm, kiểm tra, theo dõi, cô lập và hỗ trợ hiệu quả? Hoặc ý tưởng rằng 'sự tuân thủ không chỉ đòi hỏi những thứ như giao tiếp tốt và sự tin tưởng, mà còn cả một nền kinh tế chính trị cho phép mọi người ở nhà mà không bị đói'.

 

Chúng ta có thể phân biệt 'đường cơ sở chính sách xã hội' trước đại dịch từ các hành động cụ thể được thực hiện để ứng phó với đại dịch và hỗ trợ các chính sách y tế công cộng.

 

Do đó, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động chính thức là một thiết bị ổn định tự động, nhưng các khoản thanh toán bổ sung cho nó có thể là một chính sách ứng phó khủng hoảng bổ sung.

Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách xã hội bổ sung trong thời gian xảy ra đại dịch, nói chung là những chính sách tạm thời, nhưng nhu cầu về các chính sách đó về mặt logic có thể ít hơn nếu họ đã có các chính sách xã hội được tài trợ tốt và hiệu quả. 

 

3/ Nguyên liệu và phương pháp

 

Chúng tôi phân tích kinh nghiệm của bốn quốc gia trong làn sóng COVID-19 đầu tiên trên toàn cầu từ khi dịch bệnh xuất hiện cho đến tháng 11 năm 2020: Brazil, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Không có đủ quốc gia trên thế giới để thực hiện các phân tích thống kê thường xuyên, đó là lý do tại sao chúng tôi khai thác sự phong phú của các nghiên cứu điển hình để hiểu được các tương tác qua lại giữa các chính sách, xã hội và vi rút.

 

 

Chúng tôi đã chọn các quốc gia này để đại diện cho các chính sách phản ứng khác nhau đối với đại dịch giữa các quốc gia có hoàn cảnh kinh tế và tài khóa khác nhau nhưng có đủ không gian quyết định để ban hành các chính sách xã hội.

 

Phương pháp tiếp cận lựa chọn trường hợp của chúng tôi là cách so sánh cổ điển của Skocpol và Somers gọi là 'Thuyết minh song song' và phương pháp 'Phân tích nhân quả vĩ mô', trong đó giả thuyết lý thuyết rộng (trong trường hợp của chúng ta, phản ứng khẩn cấp dựa trên chính sách xã hội thành công) được thử nghiệm trong nhiều trường hợp, nhưng được kết hợp với kinh nghiệm học được trên thực địa.

 

Nó là một phần của dòng trí tuệ của phương pháp khác biệt của John Stuart Mill, trong đó việc tìm ra các kết quả (hoặc cơ chế) tương tự trong các trường hợp khác nhau cho phép chúng ta suy ra nguyên nhân từ bất cứ điều gì họ chia sẻ.

 

 

Chúng tôi đã chọn bốn quốc gia lớn và phức tạp, với mục đích hướng tới sự đa dạng về địa lý, tất cả đều đang trải qua đại dịch COVID-19 vào mùa xuân năm 2020.

Hai trong số các quốc gia có thu nhập trung bình và hai quốc gia có thu nhập cao hơn, phản ánh sự quan tâm của chúng tôi đối với các quốc gia có năng lực để ban hành các biện pháp chính sách xã hội quan trọng.

Chúng cũng đa dạng về mặt địa lý và tất cả đều thấy COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong đợt đầu tiên.

Trong phần thảo luận, chúng tôi giải quyết một số hạn chế mà điều này mắc phải.   

 

 

Về mặt khái niệm, các phản ứng chính sách xã hội mạnh mẽ đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc quản lý các cú sốc, chẳng hạn như những cú sốc liên quan đến đại dịch.

 

 

Ví dụ, điều này có nghĩa là tăng đầu tư vào các chính sách lao động hiện hành hoặc tạo ra các chương trình mới để hỗ trợ người thất nghiệp.

 

Các phản ứng mạnh mẽ về chính sách y tế công cộng liên quan đến các NPI chính sớm cũng như xây dựng hệ thống TTIS hiệu quả.

 

Các sáng kiến ​​này phải mạnh bằng hoặc mạnh hơn các hướng dẫn của WHO và được phối hợp ở cấp cao nhất (do các trường hợp của chúng tôi là các liên đoàn lớn).

Hoạt động của chúng ta về điểm mạnh và điểm yếu là chất lượng.

 

Như với bất kỳ chính sách xã hội nào, việc sử dụng các con số tổng hợp để thể hiện các ưu tiên và hiệu quả của chính sách xã hội là khó khăn. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu có thể so sánh giữa các quốc gia không tồn tại và ngay cả khi có, các chi tiết về mục tiêu và ưu tiên (ví dụ: chính xác là ai đã nhận được hỗ trợ thu nhập) hiếm khi có tính cụ thể và khả năng so sánh mà chúng tôi mong muốn.

 

Bảng 1 trình bày quy mô của cả chi tiêu cụ thể liên quan đến COVID-19 và một số thống kê ngụ ý đường cơ sở của chi tiêu chính sách xã hội công cho bốn trường hợp của chúng tôi.

Dữ liệu tốt nhất về đường cơ sở chính sách xã hội, từ bộ dữ liệu SOCX của OECD, chỉ có sẵn cho hai trường hợp của chúng tôi (Đức và Mỹ).

 

Chi tiêu của chính phủ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP rõ ràng là có vấn đề vì nó bao gồm tất cả các loại chi tiêu phi chính sách xã hội, nhưng chúng tôi báo cáo nó để cho biết quy mô chung của chính phủ và chúng tôi báo cáo chi tiêu y tế (gần như hoàn toàn là chăm sóc sức khỏe) theo Ngân hàng Thế giới để đưa ra nhận thức về quy mô chi tiêu xã hội trong trường hợp không có dữ liệu chính sách xã hội có thể so sánh giữa các quốc gia bên ngoài các quốc gia OECD.

 

 

 

Bảng 1. Các chỉ số cơ bản về vị trí xuất phát chính trị xã hội và phản ứng.

 

Rõ ràng là từ các thỏa hiệp cần thiết để sản xuất và đọc Bảng 1, rất khó để so sánh dữ liệu định lượng. Do đó, các đánh giá của chúng tôi về đường cơ sở chính sách xã hội và phản ứng được cung cấp thông tin từ tài liệu chính sách cụ thể của quốc gia, bao gồm cả báo chí và tài liệu xám, đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu dự kiến ​​và thiết kế chương trình hơn là những khoản tiền thô, cho dù đó là những khoản tiền lớn và được đo lường rõ ràng có thể được định hướng theo những cách chỉ liên quan gián tiếp đến chính sách xã hội (ví dụ: hỗ trợ doanh nghiệp).

Hình 1 phác thảo các trường hợp của chúng tôi. Hoa Kỳ và Ấn Độ có quỹ đạo thất thường vào năm 2020 nên chúng ta có thể coi chúng là hai trường hợp khác nhau một cách hiệu quả. Hoa Kỳ đã ban hành một phản ứng chính sách xã hội rất lớn và sau đó để nó hết hiệu lực vào mùa thu năm 2020 mà không cần xây dựng một phản ứng y tế công cộng hiệu quả. Ấn Độ đã ban hành một phản ứng sức khỏe cộng đồng quốc gia trên quy mô lớn và sau đó để nó mất hiệu lực, với nhiều quốc gia liên bang của nó không quản lý được các phản ứng về sức khỏe cộng đồng. Do đó, chúng tôi đặt cả hai quốc gia vào hai ô khác nhau.

 

Hình 1. Trình bày các trường hợp của chúng tôi. Nguồn: mã hóa của các tác giả.


4/ Kết quả

Trong bốn trường hợp của chúng tôi, sự tương tác và khớp nối của các chính sách xã hội và y tế công cộng là rất quan trọng đối với sự thành công của các biện pháp y tế công cộng khẩn cấp và quản lý đại dịch trong sáu tháng đầu tiên, từ tháng 3 đến cuối tháng 9 năm 2020.

 

 

5/ Hoa Kỳ

Hoa Kỳ vào năm 2020 đã kết hợp sự suy yếu về lãnh vực sức khỏe cộng đồng với một chuyến đi như tàu lượn về chính trị xã hội, trong đó nước này bắt đầu với các chính sách phúc lợi và xã hội bất bình đẳng, trong một thời gian ngắn chấp nhận một nhà nước phúc lợi gần như châu Âu, không xây dựng được phản ứng y tế công cộng hiệu quả, và sau đó để phản ứng chính sách xã hội của nó mất hiệu lực.

 

Thông qua một loạt các khoản chi tạm thời, một số chính sách khẩn cấp xã hội đã được duy trì cho đến cuối năm 2020 trước khi luật toàn diện được ban hành vào năm 2021.

 

Chính phủ liên bang, không giống như chính quyền tiểu bang và địa phương, có khả năng đi vay để dẫn dắt cả sức khỏe cộng đồng và các phản ứng chính sách xã hội.

 

Mặc dù phản ứng về sức khỏe cộng đồng của nước này bị chỉ trích nhiều, nhưng phản ứng chính sách xã hội của nước này vào tháng 3 ở quy mô tương đương với các quốc gia có phúc lợi xã hội nhanh nhất ở châu Âu và đổi mới trong việc sử dụng các công cụ chính sách.

 

Kết quả là có khả năng giảm nghèo. Điều này không phù hợp với NPI nghiêm ngặt trên toàn quốc hoặc việc xây dựng một chương trình hỗ trợ thử nghiệm-theo dõi-cô lập hữu ích.

 

 

Các chính sách xã hội đặc biệt đã hết hạn vào cuối mùa hè, khiến nước Mỹ rơi vào tình thế khó khăn vào mùa thu.

 

 

Ban đầu, người ta có thể lo sợ rằng Hoa Kỳ sẽ áp dụng một phản ứng mạnh mẽ trong lãnh vực sức khỏe cộng đồng mà không có các chính sách xã hội tương ứng để giảm bớt tác động của các hành động cưỡng chế; thay vào đó, Hoa Kỳ đã thông qua các chính sách xã hội mà không có chính sách y tế công cộng, để các chính sách xã hội hết hiệu lực và bước vào mùa đông 2020–2021 với sức khỏe cộng đồng yếu kém và các chính sách xã hội đặc biệt .

 

 

 

Hệ thống liên bang  của Hoa Kỳ cho phép 'quyền hạn của cảnh sát' áp đặt NPI chủ yếu ở cấp tiểu bang và ở cấp tiểu bang , hầu hết các NPI đã diễn ra.

Chính quyền tiểu bang và địa phương có tính cạnh tranh kinh tế và bị ràng buộc bởi các quy tắc ngân sách cân bằng và các quy tắc khác có xu hướng làm cho chính sách tài khóa của họ tác động theo chu kỳ.

 

Hoàn cảnh của họ đã tạo cho họ những động lực đáng kể để không đầu tư vào các cơ sở hạ tầng y tế công cộng rộng khắp hoặc ban hành hoặc duy trì NPI. Ở một số, chẳng hạn như Michigan và Wisconsin, các tòa án bang đảng phái đã tước bỏ quyền lực cưỡng chế của các thống đốc vào giữa đại dịch.

 

Chính phủ liên bang có nhiều nguồn lực pháp lý và y tế công cộng đáng kể hơn để tạo ra một hệ thống TTIS - và khả năng lớn hơn rất nhiều để tài trợ cho các biện pháp chính sách xã hội.

 

 

Dưới thời Trump, nó đã không sử dụng các nguồn lực y tế công cộng này, chưa nói đến việc thăm dò thẩm quyền pháp lý của mình đối với các NPI quốc gia hiệu quả. 

 

 

5.1/ Cơ sở chính sách xã hội

 

Chính sách xã hội của Hoa Kỳ phân tán và không đáp ứng được các tiêu chuẩn của các quốc gia giàu có nhất về phúc lợi xã hội, với xu hướng chi cho giáo dục hơn là trợ cấp xã hội, và chi tiêu của nước này bị bóp méo bởi một hệ thống y tế phân tán, không phổ cập và đắt đỏ liên kết với bảo hiểm y tế đến việc làm.

Các phúc lợi gần như phổ biến duy nhất dành cho những người trên 65 tuổi, những người có thể được chăm sóc sức khỏe và nhận lương hưu hạn chế; các lợi ích khác thường được kiểm tra phương tiện, thay đổi theo tiểu bang, phân phối theo những cách phức tạp và khéo léo

 

Chính sách xã hội yếu kém và phân tán là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ có mức độ bất bình đẳng về chủng tộc, thu nhập và giàu nghèo cũng như nghèo đói cao. Ví dụ, 17,5% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói vào năm 2017

và 10,5% hộ gia đình kinh nghiệm an ninh lương thực vào một thời điểm nào đó trong năm 2019

 

- cả hai năm khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp đáng kể.

 

 

Bất bình đẳng và nghèo đói có thể giúp giải thích tại sao Hoa Kỳ, bất thường đối với một quốc gia giàu có, đã chứng kiến ​​tuổi thọ suy giảm vài năm ngay cả trước đại dịch.

 

5.2/ Chính sách xã hội trong ứng phó với đại dịch

Ban đầu, chính quyền các bang đã áp dụng các biện pháp NPI rất thay đổi

 

Chính phủ liên bang, trong khi đó, thống trị chính sách xã hội vì các tiểu bang thiếu nguồn lực tài chính để áp dụng các phản hồi chính sách.

Chính phủ liên bang đã đáp lại bằng những khoản viện trợ to lớn cho các cá nhân cũng như các công ty, đáng chú ý nhất là được ủy quyền trong luật gọi là Đạo luật CARES

 

 Đạo luật CARES bao gồm các biện pháp thiết yếu để ứng phó với sức khỏe cộng đồng, khủng hoảng kinh tế, nhưng sẽ cần nhiều hơn . Trung tâm ưu tiên ngân sách và chính sách.

Tổng cộng, chính phủ liên bang đã ủy quyền hơn hai nghìn tỷ đô la (2.000.000.000.000.000 USD) bổ sung l chi tiêu cho ứng phó đại dịch chỉ tính riêng trong tháng 3 và tháng 4, khoảng 10% GDP

 

(đến cuối năm, tỷ lệ này là khoảng 13,2%; Bảng 1).

 

Các thành phần nổi bật bao gồm viện trợ cho các cá nhân (cố định 1200 đô la cho mỗi người lớn và 500 đô la cho mỗi trẻ em), sự gia tăng lớn về trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thông thường cùng với điều kiện được mở rộng, hỗ trợ cho các công ty và áp dụng đáng kể chương trình làm việc ngắn hạn biến thể trong đó các công ty có thể nhận các khoản vay tương đương với các khoản tài trợ nếu chúng được sử dụng để trả cho nhân viên không làm việc, được gọi là Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP).

Nói cách khác, Hoa Kỳ, trong một vài tháng, có một cái gì đó giống như một quốc gia phúc lợi Bắc Âu, với các khoản chi trả sòng phẳng cho công dân, bảo hiểm thất nghiệp tăng cường, và một chương trình làm việc ngắn hạn rộng rãi cũng như một lệnh cấm đuổi việc. Tính mới của thời kỳ này trong bối cảnh lịch sử chính sách xã hội của Mỹ không phải lúc nào cũng được đánh giá cao.  

 

Dữ liệu về tác động của hành động liên bang phải được xử lý cẩn thận vì sự gián đoạn liên quan đến đại dịch có thể ảnh hưởng đến việc lấy mẫu, nhưng có vẻ như Hoa Kỳ đồng thời trải qua mức tăng thất nghiệp lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận (mức tăng 14% vào tháng 4 Riêng năm 2020) và tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể 21%

 

 

Trong khi tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tăng lên, các chính quyền tiểu bang và địa phương thường ngạc nhiên khi nhận thấy khoảng cách ngân sách nhỏ hơn so với kế hoạch ban đầu, một phần do hoạt động kinh tế tổng thể không giảm nhiều như họ mong đợi và một phần do Đạo luật CARES tài trợ cho ứng phó với đại dịch đã gây áp lực. ngoài các dòng ngân sách khác. 

 

 

Mặc dù NPI ở Hoa Kỳ rất khác nhau về độ dài, nội dung và mức độ nghiêm trọng, nhưng Đạo luật CARES đã cho phép giảm đáng kể hoạt động kinh tế và tính lưu động với mức độ thiệt hại hạn chế đối với phúc lợi của hộ gia đình.

 

Các hộ gia đình, được hỗ trợ bởi các chính sách xã hội này, đã giảm đáng kể khả năng di chuyển của họ, với dân số ở nhiều bang tự nguyện giảm tương tác ngay cả khi chính phủ của họ chỉ chọn NPI yếu.

 

 

Tuy nhiên, vào cuối mùa hè, gói quan trọng nhất trong số các gói tạm thời này đã hết hạn giữa một chiến dịch bầu cử cổ phần cao. Việc hết hạn của chúng làm gia tăng áp lực lên NPI (từ người dân, doanh nghiệp và chính phủ bị mất doanh thu)

 


5.3/ Tương tác của các chính sách xã hội và ứng phó với đại dịch

Việc hầu hết các điều khoản của Đạo luật CARES hết hạn vào tháng 8 và tháng 9 năm 2020 phản ánh giả định ban đầu của các nhà hoạch định chính sách rằng chính phủ liên bang sẽ quản lý hiệu quả đại dịch COVID-19 và đất nước sẽ trở lại đời sống kinh tế bình thường vào mùa thu năm 2020.

 

Giả định đó đã bị nhầm lẫn một cách đáng buồn. Việc không đổi mới các biện pháp chính sách xã hội bất thường có nghĩa là Hoa Kỳ phải đối mặt với mùa thu năm 2020 và sự gián đoạn kinh tế với chính sách xã hội liên bang cụ thể về COVID và đường cơ sở chính sách xã hội đã có từ trước không được trang bị để ứng phó với các vấn đề nhỏ hơn đại dịch.

Với sự lây lan liên tục của vi rút, điều đó cũng có nghĩa là thiệt hại kinh tế có thể sẽ giảm dần, vì ngay cả khi không có NPI nghiêm ngặt, lưu lượng truy cập trong các khu vực rộng lớn của nền kinh tế đã giảm do mọi người tránh xa các doanh nghiệp như quán bar, nhà hàng, bán lẻ thực tế và du lịch.

 

Hoa Kỳ đã nhanh chóng tạo ra một mạng lưới an toàn rộng rãi vào mùa hè năm 2020. Điều đó có thể đã cho phép các biện pháp cưỡng chế đủ để kiểm soát vi rút, nhưng chính phủ liên bang và hầu hết các chính quyền tiểu bang đã không thể duy trì nó hoặc kết hợp nó với các biện pháp y tế công cộng đủ để khôi phục bất kỳ thứ gì như một nền kinh tế bình thường vào mùa thu năm 2020.

 

 

Do đó, đến tháng 10, Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận mang tính đảng phái cao về giá trị của NPI, Chánh văn phòng Nhà Trắng nói với CNN rằng 'chúng tôi sẽ không kiểm soát đại dịch' (Cole , 2020 Cole, D. (2020, ngày 23 tháng 10). Chánh văn phòng Nhà Trắng: “Chúng tôi sẽ không kiểm soát đại dịch”. CNN .), Cơ sở hạ tầng y tế công cộng phần lớn bị quá tải và tiến bộ kinh tế hạn chế của mùa hè có nguy cơ .

 

 

6/ Ấn Độ

 

Ấn Độ ban đầu được chú ý vì phản ứng nghiêm ngặt của sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ liên bang của nó đã thất bại trong việc điều phối các ưu tiên kinh tế và xã hội so với y tế và dỡ bỏ lệnh cấm vận trên toàn quốc, khiến các bang phải chịu trách nhiệm quản lý ứng phó với đại dịch của họ.

 

Hành động chính sách xã hội chủ yếu được giao cho chính quyền trung ương trong khi các bang khởi xướng các chính sách xã hội quy mô nhỏ, cá nhân để quản lý nhu cầu dân số.

 

Cuối cùng, các chính sách xã hội đã không giải quyết được sự thất vọng của các cá nhân về những hạn chế trong việc làm và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu - thực phẩm, nhà ở và tiền bạc.

 

Vào cuối mùa thu, Ấn Độ phải đối mặt với sự lây lan không kiểm soát được cũng như thiệt hại về kinh tế và hậu quả xã hội nghiêm trọng của NPI và đại dịch, đặc biệt là ở những người nghèo.

Hệ thống liên bang của Ấn Độ đảm bảo 28 bang của mình có các cơ quan lập pháp riêng có thể đưa ra luật liên quan đến tư pháp hình sự, giáo dục, thuế y tế, trật tự công cộng, đất đai và rừng.

Một khi tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, chính quyền trung ương có quyền tạm thời nắm quyền điều hành và kiểm soát tài chính của một bang.

 

6.1/ Cơ sở chính sách xã hội

Dân số Ấn Độ ước tính khoảng hơn 1,3 tỷ người với những người sống trong các môi trường nhà ở chính thức và không chính thức khác nhau, ở khắp các vùng nông thôn và thành thị, và trải dài trên nhiều vùng địa hình.

 

Ấn Độ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo; hơn 640 triệu người ở đất nước này được coi là nghèo khó vào năm 2005 và con số đó là khoảng 365 triệu vào năm 2017.

 

Ấn Độ đã đưa 271 triệu người thoát nghèo trong một thập kỷ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ là khoảng 6% trước đại dịch và chính phủ đã đưa ra một số chính sách từ những năm 1970 để giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đào tạo kỹ năng cho thanh niên và các chương trình thúc đẩy tinh thần kinh doanh

 

Chương trình Bảo đảm việc làm quốc gia cho nông dân năm 2005 rất cần thiết, để đảm bảo trả lương cho những người trưởng thành tình nguyện làm công việc chân tay

(ví dụ như đường giao thông xây dựng)

 

 

6.2/ Chính sách xã hội trong ứng phó với đại dịch

 

 

Chính phủ trung ương của Ấn Độ đã thông báo về một cuộc giản cách/ lockdown toàn quốc hoàn toàn vào ngày 24 tháng 3 với việc thực hiện thống nhất giữa các bang, thay đổi chủ yếu trong việc thực thi lệnh cấm vận.

 

Tuy nhiên, một khi lệnh cấm cửa quốc gia được dỡ bỏ vào tháng 5 để cho phép di chuyển người lao động nhập cư từ nơi làm việc về nhà của họ và phục hồi nền kinh tế

 


Tính hiệu quả và tính nhất quán của nỗ lực quốc gia bị xói mòn nhanh chóng.

Các bang riêng lẻ như Odisha, Punjab, Maharashtra, Karnataka, Tây Bengal và Telangana đã từng gia hạn gỉan cách

 

Mặc dù chính quyền trung ương kiểm soát tài chính bao gồm phân bổ ngân quỹ cho các bang, các bang có thẩm quyền quản lý dịch bệnh và thảm họa.   

 

Một trong những hành động chính sách xã hội tập trung lớn ở Ấn Độ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman công bố gói kích thích trị giá 20 lakh crore (307 tỷ USD) vào tháng 3 năm 2020 sau khi quốc gia bị lockdown.

 

Nguồn vốn (khoảng 24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ tất cả các cá nhân có thực phẩm và khí đốt.

 

Tuy nhiên, việc chuyển tiền mặt trực tiếp - nhằm tránh sự chậm trễ - đã không đến được với tất cả mọi người vì những phức tạp với quy trình nhận dạng, đi lại giữa các tiểu bang và những thách thức với việc xác định các cá nhân cư trú trong môi trường nhà ở phi chính thức

 

 

Gói kích cầu đã thành công trong việc tạo điều kiện cho mọi người tồn tại trong một nền kinh tế tạm thời đóng băng, nhưng chỉ trong số những người thực sự có tiền nhận được. 

 

 

Các bang chịu trách nhiệm về các hành động xã hội trước tiên trong việc mở rộng các lockdown của họ và sau đó là quản lý các mối đe dọa phức hợp của họ.

 

 

Ví dụ, Kerala, Karnataka và Odisha đã thực hiện các cuộc phong tỏa cấp nhà nước trước khi cuộc lockdown quốc gia. Những người khác làm theo và mở rộng lockdown sau khi lệnh cấm vận toàn quốc được dỡ bỏ.

 

 

Tuy nhiên, việc thực thi khác nhau giữa các tiểu bang và các mối đe dọa phức hợp đã thông báo sự khác biệt về mức độ ưu tiên trên toàn quốc.

 

 

Ví dụ, cơn bão Amphan ở Tây Bengal vào giữa tháng 5 đã kích hoạt việc triển khai nhanh chóng các đội cứu trợ.

 

Tuy nhiên, hàng nghìn người đã mất nhà cửa do bão và phải quyết định giữa việc ở lại nơi nguy cấp trong những gì còn lại của ngôi nhà của họ hoặc chuyển đến những nơi trú ẩn của cơn bão, nơi bệnh có thể lây lan.

 

 

Sau khi cuộc bãi khóa quốc gia kết thúc, các bang đã đưa ra quyết định về việc khóa cửa, điều này tạo ra sự nhầm lẫn về việc bang nào đã mở rộng khóa cửa và bang nào không, dẫn đến vi phạm cá nhân cũng như việc bắt đầu các cuộc tụ tập đông người.

 

6.3/ Tương tác của các chính sách xã hội và ứng phó với đại dịch

Mặc dù nhiều bang và thậm chí phản ứng của chính quyền trung ương về sức khỏe cộng đồng rất mạnh mẽ, chúng tôi vẫn quan sát thấy những rào cản đối với tác động của các hành động chính sách xã hội đối với sức khỏe cộng đồng ở Ấn Độ: thiếu các chính sách xã hội được chuẩn hóa trên toàn quốc và các rào cản đối với các hành động chính sách xã hội như kích thích gói thực sự tiếp cận tất cả mọi người.

Các nhóm cộng đồng - chẳng hạn như cộng đồng người theo đạo Sikh - ở nhiều bang khác nhau đã tự làm lấy thực phẩm để cung cấp thực phẩm cho các thành viên trong cộng đồng thông qua langar , hoặc bếp ăn cộng đồng.

 

Khi các khu chợ cũng bắt đầu mở cửa để cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho cộng đồng, những nơi này đã trở thành những khu tập trung đông đúc.

 

 

 

Duy trì lockdown là một thách thức nếu không có phương tiện cho phép mọi người ở trong nhà của họ. Các biện pháp tạo khoảng cách xã hội trở thành thứ yếu so với nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu.

Các cá nhân phải mua các mặt hàng thiết yếu, đòi hỏi họ phải đến các khu vực thường đông đúc để mua hàng tạp hóa và các mặt hàng khác, và nhiều người phải làm việc.

Các tổ chức chăm sóc sức khỏe đang bị cắt giảm lương và các bác sĩ đã rời bỏ vị trí của họ, khiến cộng đồng - đặc biệt là những người có nguy cơ cần chăm sóc sức khỏe khối lượng lớn - ở một vị trí dễ bị tổn thương mà không có người phục vụ

 

 

Hơn nữa, không có cách nào để đánh giá trong một đất nước rộng lớn, đông dân như vậy, ai là người thực sự nhận được tiền kích thích của họ và ai thì không. Kết quả là, chính sách xã hội tập trung có chủ đích tốt đã không để lại cho các bang có đủ thông tin để cung cấp các quỹ kích thích của chính họ ngoài việc tạo điều kiện việc làm.

 

7/ Brazil

Câu chuyện của Brazil tương tự như câu chuyện của Hoa Kỳ vào mùa hè năm 2020 ở một số khía cạnh, kết hợp sự can thiệp mạnh mẽ của chính sách xã hội với các chính sách y tế công cộng bị phân tán và chính trị hóa, trong đó chính phủ liên bang đã bất lực và vô ích.

 

Tuy nhiên, các hành động chính sách xã hội của nó không có mối liên hệ chặt chẽ với đại dịch, và vẫn giữ nguyên vị trí sau khi phản ứng chính sách xã hội của Hoa Kỳ sụp đổ.

 

 

Ở Brazil, Bộ Y tế (MoH) có trách nhiệm điều phối các chính sách y tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

 

 

Chính quyền bang và địa phương, thông qua 438 khu vực chăm sóc sức khỏe khu vực, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống y tế công cộng của Brazil.

 

Mặc dù sự phối hợp ở cấp trung ương đã được thấy trong HIV / AIDS, Zika, cúm H1N1 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc gia khác, COVID-19 lại khác.

 

 

Khi bắt đầu đại dịch, Bộ Y tế đã hành động kịp thời trong liên minh với một số chính phủ địa phương.

 

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Bolsonaro trở về từ chuyến thăm Mỹ vào giữa tháng 5, việc ban hành các tuyên bố phủ nhận, phản khoa học đã bắt đầu, dường như có sự phối hợp của Tổng thống Trump.

 

Trong trường hợp không có phản ứng mạnh mẽ, trung ương về sức khỏe cộng đồng, chính quyền các bang cuối cùng phải chịu trách nhiệm về NPI. Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của chính sách xã hội trung ương đã cho phép áp dụng NPI và hạn chế thiệt hại kinh tế.

 

7.1/ Cơ sở chính sách xã hội

 

COVID-19 tấn công Brazil trong một cuộc khủng hoảng kinh tế

 

Phản ứng COVID-19 ở Brazil đã yêu cầu tăng chi tiêu xã hội trong bối cảnh các chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ thất nghiệp cao và bất bình đẳng xã hội.

 

Gần một nửa dân số Brazil sống trong cảnh nghèo đói (dưới 5,50 đô la Mỹ mỗi ngày, tính theo PPP) hoặc dễ rơi vào cảnh nghèo đói; do đó, dân số của Brazil là đặc biệt nhạy cảm với hậu quả kinh tế-xã hội tiêu cực của COVID-19 đại dịch

 

 

Các chính sách xã hội nhằm bảo vệ người nghèo, người lao động phi chính thức và người thất nghiệp sẽ rất quan trọng ở Brazil.

 

 

Brazil có một trong những chương trình chuyển tiền có điều kiện thành công nhất thế giới, được gọi là Chương trình Trợ cấp Gia đình

 

Ảnh hưởng của chương trình chuyển tiền mặt có điều kiện đối với tỷ lệ tử vong ở trẻ em: Một phân tích trên toàn quốc về các thành phố tự trị của Brazil.

Vào năm 2020, Brazil đã cung cấp một trong những xã hội hào phóng nhất các gói hỗ trợ trong khu vực Mỹ Latinh, bất chấp điều kiện tài chính không lành mạnh.

 

7.2/ Chính sách xã hội trong ứng phó với đại dịch

Trong thời gian đại dịch xảy ra, chính phủ đã xúc tiến các điều chỉnh đối với Chương trình Trợ cấp Gia đình, đồng thời cũng tạo ra một chương trình xã hội mới để hỗ trợ tiền lương cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương: Trợ cấp Khẩn cấp ( Auxilioosystem ), còn được gọi là 'coronavoucher'.

 

Đáng chú ý, Brazil cũng tạo ra Chương trình Lao động Khẩn cấp, được thiết kế để cho phép cắt giảm số giờ lao động trong 90 ngày hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động trong 60 ngày.

 

 

Trong thời gian đó, chính phủ sẽ bổ sung tiền lương hoặc trong trường hợp bị đình chỉ hợp đồng, sẽ chi trả toàn bộ bảo hiểm thất nghiệp.

 

 

Ở đây chúng tôi tập trung vào Trợ cấp Gia đình và Trợ cấp Khẩn cấp vì đây là hai chương trình xã hội quan trọng nhất được thực hiện ở Brazil trong thời kỳ đại dịch và được coi là các biện pháp chống đại dịch điển hình

 

 

Chương trình được công bố vào giữa tháng 3 năm 2020 sau áp lực mạnh mẽ lên các nhà lập pháp từ Bộ Kinh tế.

Ban đầu, chính phủ hành pháp công bố khoản trợ cấp 200 R đô la (37 đô la Mỹ) mỗi tháng, sau một cuộc tranh luận tại Quốc hội, đã được tăng lên 600 đô la (110 đô la Mỹ)

 

 

Vào tháng 5, chính phủ phải chịu thêm áp lực để gia hạn trợ cấp thêm tháng. Một lần nữa, đã xảy ra tranh chấp giữa Bộ trưởng Kinh tế và Quốc hội. Người trước đây đề nghị tăng trợ cấp thêm 200 R đô la (38 đô la Mỹ) mỗi tháng trong hai tháng nữa.

 

 

Cuối cùng, vào tháng 9, một sắc lệnh của tổng thống đã mở rộng các khoản thanh toán thêm ba đợt nữa là R $ 300 (US $ 55,83). 

 

 

Việc đăng ký có thể được thực hiện thông qua Cơ quan đăng ký các chương trình xã hội duy nhất của Chính phủ (CadUnico, từ viết tắt trong tiếng Bồ Đào Nha), tổng hợp thông tin về các gia đình nhận trợ cấp xã hội hoặc thông qua đăng ký trực tuyến những người thụ hưởng mới (ExtraCad).

 

 

Hơn một nửa số người được hưởng lợi không đăng ký tham gia bất kỳ chương trình xã hội nào. Điều này tạo ra những thách thức bổ sung, ví dụ như làm thế nào để xác định và xác minh tính đủ điều kiện của những người mới tham gia này.

 

Brazil đã áp dụng chiến lược hoàn toàn trực tuyến để kết nạp các cá nhân mới, nhưng không phải tất cả những người dễ bị tổn thương đều có quyền truy cập internet hoặc điện thoại di động.

 

Ngoài ra, các vấn đề về hồ sơ hoặc tài liệu không hoàn chỉnh phải được giải quyết trực tiếp, dẫn đến hàng dài chờ đợi tại các văn phòng an sinh xã hội và ngân hàng trên khắp cả nước

 

 

 

7.3/ Tương tác của các chính sách xã hội và ứng phó với đại dịch

 

Tác động của chương trình rất ấn tượng. Kết quả của Trợ cấp Khẩn cấp, tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 50 triệu người, mức thấp nhất kể từ những năm 1970. Giảm nghèo cao hơn ở các bang nghèo hơn ở phía bắc và đông bắc

 

 

Những người thụ hưởng Trợ cấp Khẩn cấp có tỷ lệ thấp nhất về giản cách xã hội.

 

 

Vào tháng tám, 6,15% nhóm này ở trong tình trạng lockdown hoàn toàn tại nhà, trong khi 40,7% cho biết vẫn ở nhà và chỉ để lại cho các nhu cầu thiết yếu. Những con số này dưới mức trung bình của dân số Brazil.

 

Do đó, trong khi chính sách xã hội ảnh hưởng đến mức thu nhập, người nghèo thể hiện mức độ tuân thủ thấp hơn đối với các biện pháp ngăn cách xã hội được áp dụng để đối phó với đại dịch.

 

Một lời giải thích khả dĩ cho những phát hiện này là những người thụ hưởng chương trình xã hội có xu hướng làm công việc phục vụ hoặc công việc phi chính thức, về bản chất, không cho phép thực hiện nhiều các biện pháp tạo khoảng cách xã hội

 

 

Vì Trợ cấp Khẩn cấp sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2020, dự kiến ​​sẽ có 16 triệu người trở lại nghèo đói  ).  

 

 

Các chính sách xã hội ấn tượng của Brazil không được thiết kế phù hợp với Bộ Y tế.

 

Phản ứng của Brazil đối với COVID-19 có sự phối hợp chặt chẽ trong chính phủ hành pháp, điều này góp phần vào việc tuân thủ kém các NPI.

Trớ trêu thay, mặc dù ban đầu Bolsonaro và bộ trưởng kinh tế của ông không muốn tăng chi tiêu công, nhưng sự nổi tiếng của tổng thống đã tăng lên đáng kể khi các chính sách xã hội được thực thi (kỷ lục 37% tốt / xuất sắc).

 

Không rõ đây là tình cờ hay là một chiến lược chính trị khôn ngoan. 

 

 

8/ Nước Đức

Đức cho thấy các hành động chính sách xã hội đáng kể mang lại lợi ích như thế nào cho nền kinh tế không chỉ ở cấp độ vĩ mô mà còn ở cấp độ vi mô và cá nhân. Nền kinh tế lớn nhất Eurozone đặt cùng một gói viện trợ của tỷ lệ lịch sử

 

Đây gói kiểm soát tình trạng thất nghiệp và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như cha mẹ đơn thân, người hưu trí và trẻ em được bảo vệ đầy đủ và nhanh chóng mà không có rào cản quan liêu to lớn và các doanh nghiệp lớn và nhỏ được hỗ trợ đầy đủ.

 


Chính sách xã hội hiệu quả giúp chính sách y tế công cộng có hiệu quả.

 

 

Tại cộng hòa liên bang Đức, Viện Robert Koch (RKI) là cơ quan quốc gia về phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

 

 

Các RKI làm việc với các cơ quan chịu trách nhiệm trên các tiểu bang và tiểu bang để phát triển và thực hiện các phân tích dịch tễ học và phòng thí nghiệm dựa trên cũng như nghiên cứu về nguyên nhân, chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm; tuy nhiên, luật bảo vệ chống lây nhiễm trên toàn quốc Infektionsschutzgesetz giao cho 16 Bang của Đức nhiệm vụ xác định và thực hiện các biện pháp cụ thể

 

 

Trong đại dịch corona, điều này dẫn đến các biện pháp và quy định khác nhau vì mỗi Vùng đất có các quy tắc khác nhau về cách xa vật lý, đeo mặt nạ và tụ tập.

 

8.1/ Cơ sở chính sách xã hội

 

Đức có thể không phải là xã hội bình đẳng nhất ở châu Âu, nhưng là xã hội bình đẳng nhất trong bốn xã hội mà chúng ta thảo luận ở đây, với thu nhập, tài sản thấp hơn đáng kể, và trong hầu hết các trường hợp, bất bình đẳng chủng tộc.

 

 

Nó cũng có nhà nước phúc lợi và hành chính công phát triển nhất và rộng rãi nhất trong số bốn bang với các bang liên bang mạnh hơn về tài chính và mức độ chia sẻ cao giữa cấp liên bang và bang trong khuôn khổ hệ thống đảng quốc gia.

 

 

Những điều này làm cho các chính sách và thể chế của nó linh hoạt hơn trong các cuộc khủng hoảng.

Đáng chú ý, Đức có các công cụ ổn định tự động mạnh mẽ như các chương trình hỗ trợ thu nhập và bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hạn chế tác động của suy thoái đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế nói chung.

 

8.2/ Chính sách xã hội trong ứng phó với đại dịch

 

Các biện pháp y tế công cộng do Đức thực hiện để chống lại đại dịch đã dẫn đến vô số tài sản thế chấp về xã hội, kinh tế và chính trị và hậu quả là thiệt hại.

 

Để giảm bớt những thiệt hại này, chính phủ đã thiết lập các hành động chính sách xã hội quan trọng bao gồm hai gói bảo trợ xã hội với mục tiêu giảm nhẹ các hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch corona.

 

Vào ngày 22 tháng 3, Thủ tướng liên bang Angela Merkel đã nắm quyền kiểm soát bằng cách phối hợp tất cả các Bang trong lệnh cấm tiếp xúc trên toàn quốc cũng như đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân (tiệm làm tóc, tiệm xăm, v.v.).Cuộc họp báo của Thủ tướng Merkel để thảo luận về coronavirus với những người đứng đầu chính phủ của các bang liên bang.

 

 

Các NPI nghiêm ngặt này và các cú sốc kinh tế khác liên quan đến đại dịch đã tạo ra các vấn đề mà chính sách xã hội dự kiến ​​giải quyết. Vào ngày 25 tháng 3, chính phủ liên bang Đức đã cùng nhau đưa ra một lá chắn bảo vệ cho nhân viên, tư nhân và các công ty trong gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử của Cộng hòa Liên bang

 

Chiếc ô hỗ trợ tài chính này đã giúp đảm bảo hành động chính sách xã hội cần thiết trên khắp đất nước, dẫn đến giảm tỷ lệ thất nghiệp.

 

Arbeitslosenquoten in den Mitgliedsstaaten im tháng 8 năm 2020. Vào ngày 27 tháng 3, gói bảo trợ xã hội được thực hiện. Gói này bao gồm Các biện pháp đơn giản hóa quy trình để đạt được các lợi ích bổ sung như trợ cấp trẻ em, trợ cấp cho các dịch vụ xã hội, tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu và nó kéo dài thời hạn tối đa cho thị trường việc làm cuối cùng

 

 

Trong khi các quốc gia khác như Áo gia tăng các rào cản quan liêu khiến những người có nhu cầu phải nhảy qua để nhận viện trợ, thì Đức lại khiến mọi thứ trở nên ít thách thức hơn.

 

 

Tiếp cận tự cung tự cấp thêm lợi ích và trợ cấp con đã được đơn giản hóa, trợ cấp thêm cho các dịch vụ xã hội đã được thực hiện thu nhập có sẵn và bổ sung cho người dân trong 'Kurzarbeit' đã được thực hiện tốt.

 

 

Vào ngày 28 tháng 4, Gói Bảo trợ Xã hội II đã được thực hiện, trong đó bảo trợ xã hội trong trường hợp lao động trong thời gian ngắn và thất nghiệp do đại dịch COVID-19 đã được cải thiện.

 

Các biện pháp này bao gồm các điều kiện được cải thiện trong thời gian ngắn - trợ cấp làm việc ngoài giờ, gia hạn quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp, bữa trưa ấm áp mặc dù đóng cửa do đại dịch và những cải tiến đối với Đạo luật việc làm của nhà cung cấp dịch vụ xã hội (SodEG), do đó đảm bảo tiếp tục trả lương hưu cho orphan’s pensions.

 

 

Các biện pháp bảo vệ tài chính khác cho các cá nhân bao gồm tiền thưởng cho trẻ em, trợ cấp tuổi cao, hỗ trợ cha mẹ đơn thân, tiền Kurzarbeit và an ninh cơ bản

 

Các biện pháp này về cơ bản đã mở rộng các chương trình hiện có, tạo ra nhiều tiền hơn cho các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương (trẻ em, cha mẹ đơn thân và những người có thu nhập hạn chế).  

 

Viện trợ Corona dành cho các công ty thương mại và tự do là gói viện trợ lớn nhất thuộc loại này với mục tiêu quan trọng nhất là hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp bao gồm các công ty mới thành lập, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 10 nhân viên), doanh nghiệp tự do. và các dịch giả tự do.

 

Tổng cộng 70,4 tỷ € trong viện trợ corona đã được phê duyệt như của ngày 13 tháng 10 năm 2020. Số tiền đã được phân bổ cho tất cả mọi thứ từ một quỹ bình ổn kinh tế, tín dụng nhanh, chương trình đặc biệt, tín dụng hàng hóa, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu để áp dụng các biện pháp thuế.

 

 

 

 

8.3/ Tương tác của các chính sách xã hội và ứng phó với đại dịch

 

Chính sách xã hội khẩn cấp của Đức đã cho thấy kết quả. Gánh nặng hành chính được hạn chế, viện trợ được nhắm mục tiêu vào hầu hết các hạng mục (cá nhân, gia đình, doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và cơ sở hạ tầng) và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh (như trường hợp ở các nước khác) Soforthilfe, trợ giúp ngay lập tức (tài chính), được dự kiến để tăng tốc độ giải ngân vốn và hạn chế gánh nặng hành chính.

 

Chính phủ liên bang đã cung cấp 50 tỷ euro viện trợ khẩn cấp dễ dàng sẵn có cho các doanh nghiệp nhỏ, người tự kinh doanh và người làm nghề tự do để trang trải chi phí hoạt động trong ba tháng và họ không phải hoàn trả.

 

Nhờ gói hỗ trợ toàn diện cho các công ty thương mại và tự do, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng so với năm 2019 nhưng không đáng kể. Vào tháng 9 năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức là 4,9% và đến tháng 9 năm 2020, nó tăng lên 6,2% .

 

 

Theo số liệu cuối cùng có sẵn từ tháng 8, 4,5 triệu người đang nhận các khoản trợ cấp làm việc ngắn hạn này.

Trên thực tế, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc khủng hoảng coronavirus, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã giảm.

 

Theo Cơ quan Việc làm Liên bang, 108.000 Số người thất nghiệp trong tháng 9 ít hơn so với tháng 8. Tuy nhiên, sự cân bằng có vẻ kém thuận lợi hơn so với năm trước: Vào tháng 9 năm 2019, đã có thêm 613.000 người được tuyển dụng so với tháng 9 năm nay.

 

 

9/ Thảo luận

 

Mặc dù phản ứng mạnh mẽ về sức khỏe cộng đồng được cho là bước quan trọng và cần thiết nhất trong việc giải quyết mối đe dọa truyền nhiễm khẩn cấp, như COVID-19, nhưng sẽ không đủ để đáp ứng những hậu quả ngắn hạn và tác động lâu dài hơn mà các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể gây ra. .

 

 

Như các nghiên cứu điển hình của Brazil, Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã chứng minh các vấn đề chính sách xã hội để ứng phó với đại dịch và sự liên kết giữa chính sách xã hội và chính sách y tế công cộng là rất quan trọng.

 

Ngay cả khi có những lý do chính trị và lịch sử rõ ràng tại sao nước Đức của Angela Merkel nghiêng về mặt chính trị hơn là ủng hộ chính sách xã hội hơn so với Brazil của Bolsonaro, Ấn Độ của Modi hay Hoa Kỳ của Trump, nhận ra sự cần thiết của chính sách xã hội có thể ảnh hưởng đến lời khuyên và quyết định- làm.

 

 

Chú ý đến các phản ứng của chính sách xã hội cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe.

 

 

Bất bình đẳng xã hội và kinh tế tiềm ẩn làm trầm trọng thêm các nguy cơ sức khỏe liên quan đến vi rút và có nguy cơ mở rộng nếu các chính sách xã hội không được thực hiện.

 

Hiểu được mối quan hệ giữa sức khỏe cộng đồng và chính sách xã hội cũng rất quan trọng vì chính sách xã hội không chỉ là cách để giải quyết mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ngắn hạn của COVID-19 mà còn có thể là cơ hội để giải quyết những bất bình đẳng cơ bản về kinh tế và xã hội.

 

Các chính sách xã hội là rất quan trọng trong ngắn hạn, vì chúng cho phép mọi người có đủ khả năng để tuân thủ các NPI được khuyến nghị và bắt buộc . Các chính sách xã hội có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong những khó khăn kéo dài mà các cá nhân, tổ chức và cộng đồng có thể sẽ phải đối mặt.

 

 

Thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 có nghĩa là chính sách xã hội cũng đang định hình những hậu quả lâu dài của đại dịch.

Thay vì một khoảng thời gian khẩn cấp được xác định rõ ràng sau đó là các báo cáo phục hồi và 'bài học kinh nghiệm', COVID-19 là một cuộc khủng hoảng kéo dài trong đó các biện pháp khẩn cấp có thể kéo dài trong nhiều năm.

Đặc biệt, các chính sách xã hội được thực hiện trong bối cảnh khẩn cấp có thể định hình quỹ đạo phục hồi của một quốc gia bằng cách xác định những tổn thất nào được bồi thường và ai không được bồi thường.

 

Phân tích của chúng tôi có một số hạn chế. Đầu tiên là chiến lược nghiên cứu của chúng tôi, được thiết kế để xác định một động lực tương tự giữa các quốc gia cũng như theo thời gian ở các quốc gia đã thay đổi cách tiếp cận, phù hợp hơn với việc tìm kiếm những điểm tương đồng hơn là xác định các điều kiện phạm vi.

Tuy nhiên, một điều kiện phạm vi rõ ràng là khả năng nhanh chóng ban hành chính sách xã hội không phải là phổ biến - không phải tất cả các quốc gia đều có tiền hoặc năng lực nhà nước, bất kể chính sách của họ. 

Do đó, hạn chế thứ hai là giả thuyết của chúng tôi nói chung ít có khả năng phù hợp ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn cũng như một số quốc gia có thu nhập trung bình có chính sách xã hội kém phát triển và lực lượng lao động phi chính thức lớn

Sự ngờ vực về chính trị và sự lan rộng của COVID-19 ở Nigeria.

Một điều kiện phạm vi rõ ràng khác là một số bang có thể đạt được sự tuân thủ đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách áp dụng cưỡng chế thay cho việc tạo điều kiện cho các chính sách xã hội.

Điều đó dẫn đến hạn chế thứ ba, đó là có vẻ như 

một số chế độ chuyên chế (đặc biệt là Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) đã có thể đảm bảo tuân thủ các NPI mặc dù chính sách xã hội còn yếu kém.

 

Không rõ là nhiều chế độ trên thế giới có sự kết hợp giữa năng lực chuyên chế và thiếu trách nhiệm giải trình dân chủ phổ biến như vậy ; nhiều chế độ độc tài cho thấy sự tuân thủ kém với NPI vào năm 2020 (và Việt Nam phần lớn đã ngăn chặn đại dịch đến năm 2020, giảm nhu cầu về NPI toàn diện và các chính sách phúc lợi hỗ trợ).

 

 

Cuối cùng, thứ tư là một số quốc gia có rất ít điểm chung đã có thể đảm bảo tuân thủ NPI mặc dù các biện pháp chính sách xã hội còn hạn chế. 

 

Theo như chúng tôi có thể nói, điều này là do họ đã kiểm soát được đại dịch bên trong biên giới của họ khi chỉ có một vài trường hợp. Úc, Hồng Kông, Mông Cổ, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, và được cho là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Singapore đã có thể di chuyển đủ nhanh để các NPI lâu dài và có hại cho xã hội hoặc kinh tế không cần thiết trong phần lớn năm 2020 , có nghĩa là nền kinh tế của họ có thể hoạt động bình thường hơn hoặc ít hơn và có ít thiệt hại hơn đối với NPI để khắc phục.

 

 

Sự thành công và thất bại của ứng phó khẩn cấp y tế công cộng phụ thuộc vào sự phù hợp của nó với chính sách xã hội. Việc tách biệt chính sách xã hội và sức khỏe cộng đồng, về lý thuyết hay thực tế, đều làm suy yếu cả hai và làm tăng nguy cơ cả hai đều thất bại. Các nhà hoạch định chính sách thảo luận về các chiến lược ứng phó với đại dịch hiện nay hoặc trong tương lai nên chú ý đến các hỗ trợ chính sách xã hội cho các chiến lược của họ khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.