Tìm hiểu Kinh dịch:
Trích: (1)
Quẻ 01 |||||| Thuần Càn (乾 qián)
Quẻ Thuần Càn đồ hình |||||| còn gọi là quẻ Càn (乾 qián), tức Trời là quẻ số 1 trong Kinh Dịch.
Quẻ được kết hợp bởi Nội quái là: ☰ (||| 乾 qián) Càn hay Trời (天) và Ngoại quái là: ☰ (||| 乾 qián) Càn hay Trời (天).
Giải nghĩa:
Kiện dã. Chính yếu. Cứng mạnh, khô, lớn, khỏe mạnh, đức không nghỉ.
Nguyên hanh lợi trinh chi tượng: tượng vạn vật có khởi đầu, lớn lên, toại chí, hóa thành.
Phục Hy ghi: quẻ hoàn toàn thuộc tính cương kiện.
Văn Vương ghi THOÁN TỪ:
DỊCH:
Quẻ Càn, mở nghiệp lớn, có bốn đức: Có sức sáng tạo lớn lao (nguyên), thông suốt và thuận tiện (hanh), lợi ích thích đáng (lợi), ngay thẳng và bền vững (trinh).
Càn: nguyên, hanh, lợi, trinh (乾: 元, 亨, 利, 貞).
CHIÊM: (coi điềm lành, dữ) ♦ Quẻ này có 3 hào tốt - đánh dấu là (o) . ♦ Quẻ Bát Thuần Càn do 2 đơn quái Càn chồng lên nhau, vì vậy có cùng tên, tượng quẻ, và tính cách với đơn quái Càn. ♦ Nếu là phái nữ mà gặp quẻ Bát Thuần Càn thì có nghĩa là người nữ này quá Dương. Họ cần Âm tức là mềm mỏng, dịu dàng hơn nữa. Nếu không thì sẽ gặp trở ngại. ♦ Con hươu ở trên mây, thiên lộc, được hưởng bổng lộc trời ban. ♦ Thợ mài dũa ngọc, người ta phải chăm chỉ học tập để thành người hữu dụng. ♦ Trăng tròn trên bầu trời, ánh sáng tỏa ra khắp nơi nơi. ♦ Một ông quan đang trèo lên thang ngắm trăng, thăng quan tiến chức nhanh chóng và liên tục. ♦ Nếu bạn đang đau ốm thì quẻ này liên quan đến não bộ, phổi hoặc hệ thần kinh. ♦ Đây là quẻ thuộc tháng tư, tốt về mùa xuân và đông, xấu về mùa hạ.
HÌNH: có 6 con rồng ngự trên trời. Lục long ngự thiên.
TƯỢNG: Quảng đại bao dung.
KHÍ CHẤT: Quyền biến
DÁNG: Con ngựa.
HÀO TỪ do Chu Công viết :
1- Rồng còn ẩn náu, chưa dùng được.
Sơ cửu: tiềm long vật dụng. 初九。潛龍勿用。
Sơ 初- hào đầu tiên, tính từ dưới lên. Cửu 九– danh từ chỉ hào dương. Tiềm 潛- cất kín, giấu ở bên trong. Long 龍- con rồng. Vật 勿- chớ, không nên, không được. Dụng 用- ứng dụng.
2- Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.(o)
Cửu nhị: hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân. 九二。現龍在田,利見大人。
Cửu Nhị 九二 - hào thứ 2 dương.Hiện 現 - biểu hiện, hiện lên, hiện ra. Tại 在 - ở. Điền 田 - đồng ruộng, đất trồng. Kiến 見 – gặp, gặp mặt. Lợi kiến Đại nhân 利見大人 ý nói người có tài đức, cả người lập thân và người thành đạt. Hai loại người đó nên gặp nhau và hợp lực với nhau thì đều cùng có lợi.
3- Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ, Nguy hiểm nhưng không có lỗi.(o).
Cửu tam: quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu.九三。君子終日乾乾。夕惕若,厲,無咎。Kiền kiền 乾乾 - hăng hái hoạt động. Tịch 夕– buổi tối. Dịch 惕 – kinh sợ. Tịch dịch nhược 夕惕若 – đến tối vẫn còn ưu tư lo lắng. Lệ 厲 – nguy hiểm. Vô 無 – không. Cữu 咎 – lỗi lầm.
4- Như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực, không mắc lỗi.
Cửu tứ: hoặc dược, tại uyên, vô cữu. 九四。或躍在淵,無咎。Hoặc 或 – có thể thế này, có thể thế kia.Dược 躍 – nhảy lên. Uyên 淵 – vực thẳm.
5- Rồng bay trên trời, ra mắt đại nhân thì lợi.
Cửu ngũ: phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân. 九五。飛龍在天,利見大人。Phi 飛 – bay.
Khổng Tử giải thích: Vạn vật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thủy lưu thấp 水流濕 nước chảy chỗ trũng, hỏa tựu táo 火就燥 lửa tìm đến chỗ khô, vân tòng long 雲從龍 mây theo rồng, phong tòng hổ 風從虎 gió theo hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ 聖人柞而萬物睹 thánh nhân ra đời vạn vật trông theo. Bản hồ thiên giả thân thượng 本乎天者親上 vật nào gốc ở trời thì thân thuộc với cõi trên.Bản hồ địa giả thân hạ 本乎地者親下 vật nào gốc ở đất thì thân thuộc với cõi dưới.
6- Rồng lên cao quá, có hối hận.
Thượng cửu: kháng long hữu hối.上九。亢龍有悔。Thượng 上 – hào trên cùng. Kháng 亢 – cao, cao hết mức, quá. Hối 悔 – hối hận.
Khi đọc hào này Khổng Tử nói: quí mà không có ngôi vị, cao mà không có dân, người hiền ở dưới lại không giúp, cứ vậy mà hành động tất phải hối hận. 子曰:貴而無位,高而無民, 賢人在下位而無輔,是以動而有悔也. Tử viết: quý nhi vô vị, cao nhi vô dân, hiền nhân tại hạ vị nhi vô phụ, thị dĩ động nhi hữu hối dã.
7- Xuất hiện bầy rồng không có đầu, tốt.(o)
Dụng cửu: Hiện quần long vô thủ, cát. 用九。現群龍無首,吉。Quần long 群龍– bầy rồng. Thủ 首– đầu, người đứng đầu, thủ lãnh. Cát 吉 – tốt. Dụng cửu 用九 – chỉ có ở quẻ Càn. Và ở quẻ Khôn là Dụng lục用六 các quẻ khác không có.
Chu Hy giảng: Gặp quẻ càn này mà sáu hào dương đều biến ra âm cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh nhân dùng cái tượng bầy rồng sáu hào dương mà không đầu tức là nhu để diễn ý đó.
Hàn Phi nói: Như mặt trời mặt trăng sáng chiếu, bốn mùa vận hành, mây trăng gió thổi, vua đừng để trí lụy tâm, đừng để điều riêng hại mình. Gởi trị loạn nơi pháp thuật, giao phải trái nơi thưởng phạt, phó nặng nhẹ nơi quyền hành.
Khổng Tử giải nghĩa:
Trong thoán truyện:
Càn, Nguyên: đại tại càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nải thống thiên.
Hanh: Vân hành vũ hí, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thỉ, lục vị thì thành, thì thừa lục long, dĩ ngự thiên.
Lợi, Trinh: Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh. Thủ xuất thứ vạt, vạn quốc hoàn minh.
Trong đại tượng truyện:
Trời dịch chuyển mạnh mẽ, người quân tử tự cường phấn đấu vươn lên không ngưng nghỉ.
Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. 象曰:天行健, 君子以自強不息. Thiên 天 – trời. Hành 行 – biến đổi không ngừng, dịch chuyển, vận động, bước chân đi. Kiện 健 – khỏe, khỏe khoắn, mạnh mẽ, tráng kiện. Quân tử 君子 – người quân tử. Dĩ 以– lấy, dùng. Tự cường 自強– tự cường. Bất tức 不息– không ngơi nghỉ.
Nguyễn Hiến Lê viết
乾: 元, 亨, 利, 貞.
Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Dịch : Càn (có bốn đức – đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.
Giảng: Văn Vương cho rằng bói được quẻ này thì rất tốt, hanh thông, có lợi và tất giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.
Về sau, tác giả Thóan truyện (tương truyền là Khổng tử , nhưng không chắc), cho quẻ này một ý nghĩa về vũ trụ, Càn gồm sáu hào đều là dương cả, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho trời.
Trời có đức “ nguyên” vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức “hanh” vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức “lợi” và “trinh” vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa) .
Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật, theo đạo Càn thì thiên hạ bình an vô sự.
Tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho người quân tử . người quân tử có bốn đức.
Nhân, đức lớn nhất, gốc của lòng người , tức như đức “nguyên” của trời.
Lễ, là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, cho nên lễ tức như đức “hanh” của trời.
Nghĩa, đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, tức như đức “lợi” của trời.
Trí, là sáng suốt, biết rõ thị phị, có biết thị phi mới làm được mọi việc cho nên nó là đức cốt cán, cũng như đức “trinh” chính và bền – của trời.
Nguyên, hanh, lợi , trinh mà giảng thành nhân, lễ , nghĩa, trí, (bốn đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nặng của Nho gia mà ý nghĩa và công dụng của Dịch đã thay đổi khá nhiều rồi.
Trở lên trên là cách hiểu của tiên Nho, các nhà Nho chính thống. Còn vài cách hiểu “mới mẻ” hơn của một số học giả gần đây, như phùng Hữu Lan, Tào Thăng, Cao Hanh mà ở phần I, Chương IV, chúng tôi đã ghi lại rồi.
Hào từ :
Từ đây trở xuống là Hào từ, lời Chu Công đoán về mỗi hào.
初 九: 潛 龍 勿 用
Sơ cửu: Tiềm long vật dụng.
Dịch : hào 1 dương: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được.
Giảng: Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại thuộc về lòai dương, cho nên chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào – đều là dương cả - trong quẻ Càn.
Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Ý nghĩa rất rõ, Tiểu tượng truyện không giảng gì thêm. Còn Văn Ngôn truyện thì bàn rộng ra về cách sử sự của bâc thánh nhân, người quân tử : chưa gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình.
九 二 : 見 龍 在 田 . 利 見 大 人 .
Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 2, dương: rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.
Giảng: hào 2 là dương, ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là gặp thời, tài đức giúp ích cho đời được: lại thêm hào ứng với nó là hào 5, cũng là dương, cũng đắc trung (vì ở giữa ngọai quái); cho nên hào 2 có thể ví với con rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng; mà cũng như người có tài đức gặp thời, nên kiến đại nhân).
Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2.
九 三: 君 子 終 日 乾 乾, 夕 惕 若. 厲, 无 咎.
Cửu tam: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu.
Dịch: hào 3, dương: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tôi lỗi.
Giảng: Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngọai quái, nghĩa là ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, cho nên bảo là nguy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi.
Văn ngôn bàn thêm: người quân tử giữ trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để lập sự nghiệp . . .nhờ vậy mà thấu được đạo lý, giữ được điều nghĩa làm được sự nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, địa vị thấp mà không lo (coi tòan văn ở phần I, Chương II . .. )Lời khuyên đó cũng tựa như lời khuyên ở hào 2
九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎.
Cửu tứ: Hoặc dược, tại uyên, vô cữu.
Dịch: Hào 4, dương: như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi.
(Có người dịch là như con rồng có khi bay nhảy trên vực sâu, không lầm lỗi).
Giảng: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thóai thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ “hoặc”: không nhất định.
Tuy bất chính, bất trung như nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử , biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi.
Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được.
Văn ngôn không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.
九 五 : 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.
Cửu ngũ: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 5, dương: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi.
Giảng : Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt,vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua).
Chữ đại nhân (người có tài đức) trỏ cả hào 5 lẫn hào 2: hai đại nhân ở hai hào đó nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi.
Văn ngôn giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật đều trông vào (…) Mọi vật đều theo loài của nó” (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ (…) các tùy kỳ loại dã).
上 九 . 亢 龍 有 悔.
Thượng cửu: Kháng long hữu hối.
Dịch: Hào trên cùng, dương: Rồng lên cao quá, có hối hận.
Giảng: hào dương này ở trên cao của quẻ , cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu, (doanh bất khả cửu).
Văn ngôn : giảng thêm: Hào 5 địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên hào 6 mà họat động thì tất có điều phải ăn năn. (Lời giảng trong Văn ngôn, tác giả Hệ Từ truyển dẫn lại trong thiên thương, Chương VIII, Tiết 9).
Tóm lại thời của hào này là thời không nên họat động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử .
用 九 . 見 群 龍 無 首 . 吉 .
Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ. Cát.
Dịch: (nghĩa từng chữ) Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt.
Chú thích: chu Hi giảng: Gặp quẻ Càn này mà sáu hào (dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh nhân dùng cái tượng bầy rồng (sáu hào dương) mà không đầu (tức là nhu) để diễn ý đó.
J. Legge, R. Wilhelm đều hiểu theo Chu Hi mà không giảng gì thêm. Duy Phan Bội Châu đưa thêm ý kiến riêng, đại ý bảo “Dụng cửu” không phải là một hào. “quần long vô thủ” là sáu hào dương đều biến cả. Con rồng họat động khác thường là cốt ở cái đầu. Sáu hào dương đã biến (ra âm) hết thì không còn hình tích họat động nữa, cho nên gọi là rồng không đầu.
Nhưng cụ cũng nhận rằng đó chỉ là mặt chữ mà giải thích nghĩa đen thôi, chứ cái “ý thâm diệu của thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá” Nghĩa là lời kinh tối nghĩa quá, cụ không hiểu nổi.
- Cao Hanh hiểu khác, bảo “bầy rồng không đầu, nghĩa là bầy rồng đã bay lên trời, đầu bị mây che, nên chỉ thấy mình và đuôi. Đó là cái tượng rồng cưỡi mây lên trời, tốt”.
Cách giảng đó dễ hiểu, nhưng hai chữ “dụng cửu” có nghĩa gì đây, phải là một “hào” mới không, thì ông không cho biết. Cứ theo cách ông giảng “dụng lục” của quẻ Khôn – coi quẻ sau – cho “dụng lục” là một hào, thì chắc ông cũng cho “dụng cửu” của quẻ Càn là một hào. Nếu vậy thì “hào” này ra sao? Có phải là cả sáu hào của quẻ đều từ dương biến ra âm, như Chu Hi giảng không ?
- Tào Thăng giải nghĩa khác nữa: “Cửu “ là hào dương biến; “dụng” là lợi dụng, “vô thủ” là không có đầu mối. Đạo Càn (quần long) vận hành, biến hóa kỳ diệu, vạn vật nhờ đó mà thành công, nhưng cái lý do nó không thể thấy được (vô thủ), hễ dùng nó hợp thời thì tốt.
Vậy cơ hồ Tào không cho “dụng cửu” là một hào, mà chỉ có nghĩa là cách dùng quẻ Càn.
- Chu Tuấn Thanh trong “Lục thập tứ quái kinh giải” – Cổ tịch xuất bản xã – đưa ra một cách giải nữa cho “Dụng cửu” là tóm lại nghĩa của sáu hào thuần dương, Thuần dương là cái đức của trời, là gốc của vạn vật không có gì ở trước nó được, ở trước nó thì xấu, theo sau nó thì tốt. Đó là ý nghĩa của hai chữ “vô thủ” Nghĩa này theo tôi, khó chấp nhận được.
- Nghiêm Linh Phong trong “Chu Dịch tân luận” – Chính trung thư cục –dẫn nhiều thuyết nữa.
Thuyết của Vương An Thạch, Đô Khiết, cho câu: “dụng cửu: Kiến quần long vô thủ, cát “không phải là một tiết riêng mà chỉ là tiếp theo tiết Thượng cửu”
Thuyết của Ngô Nhân Kiệt, bảo các bản Dịch thời cổ, cho đến đời Phi Trực nhà Hán không có hai chữ “Dụng cửu”, đời sau thêm vào v.v. . .
Tóm lại câu “dụng cửu . .” này, tới nay vẫn còn là một bí mật, không ai hiểu rõ nghĩa, tòan là đóan phỏng. Nếu coi nó là một hào thứ bảy tức trường hợp cả 6 quẻ Càn biến một lần ra âm hết, thì trường hợp đó cả ức triệu lần chưa chắc đã xảy ra một (1), các sách bói, đóan số không khi nào dùng nó cả. Về triết lý, thì ý nghĩa của nó chẳng có gì đặc biệt, cũng chỉ là biết cương mà cũng biết nhu, hợp thời mới tốt.
*PHỤ LỤC
Dưới đây chúng tôi trích dẫn vài cách giải hào 1 qủe Càn của một số học giả gần đây, để độc giả so sánh.
- Chu Tuấn Thanh (sách đã dẫn)
“rồng có 81 cái vảy ! đủ chín lần chín, cho nên dùng nó để tượng trưng hào dương. Rồng tới tiết xuân phân thì lên trời, tiết thu phân thì nấp dưới vực. Hào dương ở vị trí 1, tức là tháng giêng theo lịch nhà chu, tháng tí. Khí dương lúc đó mới động ở suối vàng (hòang tuyền) chưa manh nha, còn tiềm phục, như người có thánh đức ở giữa đám người ngu . . .cho nên chưa dùng được, tài đức chưa thi thố được.”
- Tào Thăng (sách đã dẫn).
“người thời cổ thấy con rồng khéo biến hóa, cho nó là thần kỳ, dùng nó để đại biểu năng lực. Nếu lấy chữ “long” (rồng) làm chữ “năng” (lực) mà giảng thì con rồng ở dưới vực không dùng được, vì năng lực nó còn tiềm phục, chưa hiện, chưa sinh tác dụng được (. . .)
Dùng cái phép của hào mà giảng thì hào 1 ở dưới hào 2, hào 2 chưa động thì hào 1 không thể động trước. Hào 1 biến động quẻ Càn này thành quẻ Cấu (trên là Thiên, dưới là Phong) thì cũng chỉ là mới gặp “ở âm” (?)mà thôi, cho nên bảo là rồng còn ẩn náu, chưa dùng được (Cấu có nghĩa là gặp).
- Cao hanh (sách đã dẫn) Tôi chỉ trích câu cuối:
“con rồng còn ẩn ở dưới vực mà không hiện, có cái “tượng” tĩnh mà không động. Bói được quẻ này thì không nên thi hành.
Chúng tôi không biết các học giả Trung Hoa gần đây còn những cách giảng nào mới mẻ hơn không, chứ ba cách trên không kỹ gì hơn cách của người xưa, mà cũng chẳng phát huy thêm được gì
--
1.
nguon: http://tuviphongthuy.name.vn/?url=detail&id=109&que-01-||||||-thuan-can-(%E4%B9%BE-qian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét