Nghi thức Bố tát - Thuyết giới (Tuệ Quang)
Thuyết
giới là một phương pháp giáo dục trường kỳ, để tự mình kiểm điểm lỗi
lầm trong nửa tháng theo tinh thần tự giác tự nguyện. Nghe đọc từng giới
điều, và soát xét lại việc hành trì giới luật của mình, thì thành tâm
phát lộ sám hối, từ đó nỗ lực tiến tu luôn luôn...
PHẦN I
DUYÊN KHỞI - ĐỊNH NGHĨA - MỤC ĐÍCH CỦA LỄ BỐ TÁT
1.1. Duyên khởi
Về
duyên khởi của lễ Bố tát, theo Luật Tứ Phần: Khi Đức Phật trú tại thành
Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, tại đây có các nhóm Phạm Chí ngoại đạo cùng
nhau tập họp về một chỗ để cùng giảng đạo và thụ dụng sự cúng dàng của
các đệ tử tại gia. Họ sinh hoạt trong những ngày ấy rất thân mật. Vua Ba
Tư Nặc thấy các nhóm ngoại đạo sinh hoạt như vậy bèn nghĩ rằng, nếu
chúng Tỷ khiêu đệ tử Phật cũng tụ họp như vậy thì phúc lạc cho những
người Phật tử tại gia biết bao! Sau đó nhà vua đã ngự đến chỗ Phật đang
cư trú, trình bày suy nghĩ của mình, Đức Phật đã chấp nhận sự đề nghị đó
bằng cách im lặng.
1.2. Định nghĩa
Tiếng
Phạn là Upavasatha, tiếng Pali là Upoastha phiên âm là Bố sa tha, Bố
sái tha, Bô sa tha, Bố tát, Bố tát đà bà. Nghĩa là Trưởng tịnh, trưởng
dưỡng, cận trụ, cộng trụ, thuyết giới…Nói
chung, trong những ngày ấy, người tu tập sống đời phạm hạnh, trưởng
dưỡng đạo tâm, tịnh trừ tam nghiệp, tập sống và làm hạnh của bậc thánh
giả A la hán, với tinh thần thiểu dục tri túc.
Trong
truyền thống Vệ đà, mỗi tháng thường có những ngày hiến tế lễ Soma.
Trước đó một ngày chủ tế phải dọn mình bằng cách nhịn ăn, tiết chế các
thứ dục lạc và vào trong nhà thờ lửa cầu nguyện. Do ý nghĩa này mà từ
Uposatha được hiểu theo nghĩa bóng là “ngày kiêng cữ” hay nhịn ăn, nói
theo Hán văn là “ngày trai nhật”. Tục lệ các ngày trai như vậy có trong
nhiều tôn giáo và Đức Phật cũng đã vận dụng trong Tăng đoàn Phật giáo.
Trong
Tăng đoàn Phật giáo, thành phần của chúng xuất gia có năm chúng: Tỷ
khiêu, Tỷ khiêu ni, Thức soa ma na, Sa di, Sa di ni. Thực ra đến ngày Bố
tát, mỗi chúng phải tụng giới của mình đã thụ. Nhưng thực tế ngày nay
thường chỉ có chúng Tỷ khiêu và Tỷ khiêu ni thực hiện còn ba chúng kia
tuỳ theo trụ xứ nào có điều kiện thì tổ chức cho họ làm phép trưởng tịnh
nếu không thì có thể tuỳ nghi tụng giới của mình đã thụ trong những
thời khoá tu tập.
Như trên đã nói, Đức Phật đã chấp nhận những ngày trai giới theo truyền thống Vệ
đà (Bà la môn giáo) nhưng chỉnh lý theo mục đích sinh hoạt của Tăng
già. Trong những ngày ấy các Tỷ khiêu sống trong một cương giới đều phải
tập họp một chỗ để thuyết giới. Từ đó lễ Bố tát trở thành phận sự của
một Tỷ khiêu không thể thiếu được. Đến đây gốc Bố tát đã biến đổi, tức
đối với đạo Phật, Bố tát cũng có nghĩa là thuyết giới và như thế bố tát
đã trở thành từ của Phật giáo.
Về
thời hạn của Bố tát các kinh luận có khác nhau: Trung a hàm q.14, Tăng
nhất a hàm q.16 lấy 6 ngày trai trong tháng là mồng 8, 14, 15, 23, 29 và
30. Còn luật Tứ Phận thì lấy ngày mồng 1,14,15 làm lễ bố tát. Luận Đại
Trí Độ lấy ngày mồng 1, 14, 16, 23, 29 làm ngày bố tát.
Thuyết
giới đã trở thành truyền thống tu tập hết sức quan trọng trong sinh
hoạt tăng đoàn. Phật giáo Bắc tông ngoài giới Thanh văn còn có giới Bồ
tát. nếu Tỷ khiêu muốn hành đạo bồ tát, lợi ích chúng sinh một cách rộng
rãi thì phát nguyện thụ trì giới bồ tát. Và như thế, ngoài thuyết giới
thanh văn còn phải thuyết giới bồ tát.
1.3. Mục đích Bố tát
Bất
cứ một việc làm nào cũng có mục đích của nó, nhất là việc làm đó của
một đoàn thể có trí tuệ được hướng đạo bởi Đức Phật. Thuyết giới là một
phương pháp giáo dục trường kỳ, để tự mình kiểm điểm lỗi lầm trong nửa
tháng theo tinh thần tự giác tự nguyện. Nghe đọc từng giới điều, và soát
xét lại việc hành trì giới luật của mình, thì thành tâm phát lộ sám
hối, từ đó nỗ lực tiến tu luôn luôn. Muốn cho việc thuyết giới có hiệu
quả, thì người tụng giới cho đại chúng nghe phải có phạm hạnh, hành trì
giới luật đầy đủ, nhờ đó lời tụng mới có tác dụng đánh động đến tâm thức
của người nghe, khiến họ phản tỉnh. Có đọc tụng giới bổn thì chúng ta
mới nhớ được giới điều, mà đã thuộc lòng từng điều thì khi đối duyên xúc
cảnh chúng ta mới ý thức rõ ràng làm thế nào thì sai trái, hành động ra
sao thì đúng phép tắc. Nếu người đã đắc giới thể vô tác thì sẽ phản xạ
một cách tự nhiên trước nguy cơ giới pháp có thể bị xâm phạm mà vượt
thoát ác ma dễ dàng.
Chúng
ta biết rằng, Tăng đoàn của Đức Phật được thiết lập trên nguyên tắc hoà
hợp và dân chủ. Ba la đề mộc xoa là sợi dây ràng buộc các thành viên
của cộng đồng Tăng lữ bằng kỷ luật tu đạo vào đời sống hoà hợp tập thể.
Việc thuyết giới định kỳ là biểu hiện của đời sống ấy. Nơi trụ xứ của
các Tỷ khiêu không hoà hợp thuyết giới thì được coi là bị chia rẽ do đó
bản thể của Tỷ khiêu bị phá vỡ.
Vì
vậy việc thuyết giới định kỳ có mục đích chủ yếu là duy trì sinh mạng
của Tăng già theo tinh thần hoà hợp và thanh tịnh này là bổn phận không
thể thiếu của mỗi vị Tỷ khiêu. Mỗi lần thuyết giới là cơ hội để chư Tăng
kiểm điểm lại công phu tu tập, giữ gìn giới hạnh của mình, nếu có trái
phạm thì phải thành tâm ra trước đại chúng để cầu sám hối.
Ban đầu chỉ là đọc bài kệ:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Sau này, khi giới luật được hình thành thì ngày bố tát là ngày các Tỷ khiêu vân tập và tụng đọc toàn bộ giới bản.
PHẦN 2
TÁC PHÁP THUYẾT GIỚI
Đây là một sinh hoạt định kỳ mỗi tháng hai lần vô cùng quan trọng mà bất cứ một tỳ-kheo nào cũng phải
ý thức đầy đủ và hết sức cố gắng chấp hành. Thuyết giới đúng thực chất
có khả năng duy trì sinh mạng của Tăng-già và làm cho Phật pháp cửu trụ.
Tuỳ theo số tỳ-kheo tham dự mà có ba cách thuyết giới.
2.1. Các thể thức thuyết giới
Thuyết
giới theo truyền thống phải đọc thuộc lòng Giới bản. Công việc này do
hàng Thượng toạ đảm nhiệm. Nếu Thượng toạ không thuộc, thì theo thứ tự
từ trên xuống dưới, ai thuộc thì được cử làm người tụng giới. Khi tụng
không được đọc theo giọng ca, tán mà phải đọc lớn, rõ ràng, không nhanh,
không chậm để mọi người có thể nghe rõ mọi chi tiết. Các tỷ khiêu ngồi
nghe phải chăm chú, không được tham thiền hay niệm Phật…
Trong tác pháp thuyết giới có những điểm cần lưu ý sau đây:
+ Thứ nhất: Tăng phải hoà hợp và thanh tịnh
Các
tỷ khiêu phạm 4 ba la di (đối với tỳ kheo ni là 8), những người chưa
thụ cụ túc hay đã thụ nhưng khi phát hiện bị 1 trong 13 trọng nạn (đối
với tỳ kheo ni là 11, vì không có phá nội ngoại đạo và hoàng môn) thì
phải đuổi ra khỏi giới trường.
Nếu có sự tranh chấp giữa Tăng mà được giải quyết thì phải tác phác yết ma đình chỉ tranh chấp, mới tiến hành tác pháp thuyết giới.
Nếu
có tỷ khiêu đang hành pháp phú tàng, thì sau khi kiểm điểm Tăng số
xong, hay tác tiền phương tiện xong, thì vị Duy na gọi Tỷ khiêu này ra
bạch với Tăng rằng mình đang hành pháp phú tàng. Bạch rồi cho ngồi đằng
sau các tỷ khiêu khác mà nghe thuyết giới. Nếu còn tỷ khiêu vi phạm các
giới điều khác thì phải sám hối đúng pháp cho thanh tịnh, mới được tham
dự thuyết giới. Trong khi nghe thuyết giới mà nhớ tội đã phạm, thì nói
với yyr khiêu bên cạnh hay tự tâm niệm rằng: Tôi tỷ khiêu …. phạm tội …
chờ Tăng thuyết giới xong sẽ như pháp sám hối.
+ Thứ hai: Ngồi gần nhau
Khoảng
cách giữa hai người bằng một cánh tay, tức người này với tay thì chạm
đến thân người kia. Cách ngồi này có ý nghĩa khi giới trường hẹp mà số
ửy khiêu đến quá đông, có thể ngồi lan ra ngoài đường ranh của giới
trường mà vẫn được coi như cùng một cương giới. Như vậy, giới trường
rộng thì không bắt buộc phải ngồi như thế, nhưng phải ngồi như thế nào
để nghe thuyết giới được rõ và nhìn được mỹ quan.
+ Thứ ba: Giới trường hay tiểu giới
Đến
giờ thuyết giới tất cả tỷ khiêu trong trụ xứ phải tập hợp về giới
trường đã được kết giới. Ai không có mặt sẽ bị phạm tội biệt chúng (nếu
không gửi dục). Trường hợp đang hành hoá mà đến ngày thuyết giới không
đến một giới trường nào kịp, thì nhóm tỷ khiêu này phải tác pháp yết ma
kết tiểu giới để thuyết giới. Trước khi ra đi phải giải tiểu giới.
+ Thứ tư: Túc số tỷ khiêu
Tăng
5 người trở lên thì tác pháp có tiền phương tiện và có thể thực hiện đủ
các tiết mục của lễ bố tát. Tăng gồm bốn vị tỷ khiêu thì chỉ làm pháp
đơn bạch rồi thuyết giới. Tức không có họp Tăng vấn hoà, thuyết dục, sai
giáo thụ … vì không đủ người. Nếu chỉ có hai, ba tỷ khiêu thì đối thủ
thuyết giới. Tỷ khiêu ở một mình thì tâm niệm thuyết giới. Như thế đã là
một tỷ khiêu hay tỷ khiêu ni thì ở trong hoàn cảnh nào cũng phải thuyết
giới. Hơn nữa, đã ở chung trong một cương giới, thì không nên tâm niệm
thuyết giới, vì như thế là biểu hiện Tăng không hoà hợp.
+ Thứ năm: Thuyết giới tóm lược
Trong
khi thuyết giới mà có tám tai nạn, hay các nhân duyên như đại chúng
đông, chỗ ngồi ít, chỗ thuyết giới có mái che không kín gặp lúc trời
mưa, thuyết giới đêm đã khuya …có những nạn duyên như thế, thì tuỳ thời
gian nhiều ít mà thuyết giới tóm lược khác nhau. Theo luật Tứ phần 36, tr. 823b có tất cả năm thể thức thuyết giới - một cách thuyết đầy đủ và bốn cách thuyết tóm lược:
- Chỉ có bài tựa Giới kinh, rồi nói tóm lược:
Thưa
các Đại đức, tôi đã thuyết xong bài tựa Giới kinh. Còn lại 4 pháp
ba-la-di; 13 pháp Tăng tàn; 2 pháp bất định; 30 pháp ni-tát-kỳ
ba-dật-đề; 90 pháp ba-dật-đề; 4 pháp ba-la-đề-đề-xá-ni; 100 pháp chúng
học và 7 pháp diệt tránh như Tăng thường nghe.
- Nói từ bài tựa Giới kinh đến 4 ba la di rồi nói tóm lược:
Thưa
các Đại đức, tôi đã thuyết xong bài tựa Giới kinh, đã thuyết xong 4
pháp ba-la-di. Còn lại 30 pháp Tăng tàn … như Tăng thường nghe.
- Nói từ bài tựa Giới kinh đến 13 Tăng tàn, rồi nói tóm lược như trên.
- Nói từ bài tựa Giới kinh đến 2 pháp bất định, rồi nói tóm lược như trên.
- Nói chi tiết: Nói từ đầu đến cuối, đầy đủ các phần của Giới kinh.
Nhưng theo Yết ma chỉ nam: có tất cả 6 cách thuyết giới tóm lược. Ngoài bốn cách tóm lược nói trên, còn thêm hai cách:
+ Nói từ bài tựa giới Giới kinh đến 30 pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
+ Nói từ bài tựa Giới kinh đến 90 pháp ba-dật-đề.
Ngoài
cách tóm lược bằng cách nêu danh mục các phần còn lại, cũng có thể nêu
tên của từng giới điều, hay tóm lược bằng một câu: Còn lại các pháp như
Tăng thường nghe.
Theo luật Tăng kỳ,
nếu nạn duyên đến quá gấp, lược thuyết cũng không đủ thì giờ, thì có
thể nói: Bạch chư Đại đức, hôm nay là ngày 14 (hay 15) nửa tháng trăng
sáng (hay tối) bố tát, mỗi người nên giữ thân khẩu ý thanh tịnh, cẩn
thận chớ buông lung, rồi giải tán.
Thuyết giới tóm lược thực chất là sự bất đắc dĩ, vì vậy không nên dựa vào điều Phật cho phép mà tuỳ tiện thay đổi.
2.2. Tác pháp thuyết giới
Đến
giờ thuyết giới, khi nghe hiệu kiền chuỳ, tất cả các tỷ khiêu và sa di
cùng tập họp về Tổ đường. Lễ Tổ xong, vào chính điện lễ Phật, rồi an toạ
trong giới trường.
+ Kiểm Tăng số (hành xá la)
Đây
là một nghi thức trong lễ bố tát. Trước khi chính thức làm lễ bố tát,
chư tăng yết ma sai người hành xá la (kiểm số chúng). Theo luật quy
định, khi bố tát vị được Tăng sai kiểm số chúng phải làm nhiệm vụ phát
và đếm thẻ để biết số chúng tỷ khiêu có mặt. Ngày nay việc kiểm số chúng
vẫn duy trì nhưng chỉ tác bạch trước Tăng mà không còn làm nghi thức
phát thẻ như trước nữa.
+ Văn sai người hành xá la
Thượng toạ bạch:
-
Đại đức tăng xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với tăng, tăng
chấp thuận nay sai tỷ khiêu…vì tăng hành xá la. Xin bạch như thế.
Hỏi: Tác bạch có thành không?
Đáp: Thành (cả chúng đều đáp).
-
Đại đức tăng xin lắng nghe. Tăng nay sai tỷ khiêu…vì tăng hành xá la.
Các đại đức nào chấp thuận Tăng sai tỷ khiêu.. vì tăng hành xá la thì im
lặng. Ai không chấp thuận thì nói lên.
Hỏi: Yết ma có thành không?
Đáp: (đại chúng đều đáp) Thành.
- Tăng đã chấp thuận sai tỷ khiêu…hành xá la, vì im lặng. Việc này là như thế xin liễu tri.
+ Cách bạch hành xá la
-
Kính bạch đại đức tăng. nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, tăng chấp
thuận cho co tỷ khiêu… vì tăng hành xá la. Đây là lời tác bạch.
(Sau đó đi phát thẻ cho từng vị tỷ khiêu, và một vị tỷ khiêu khác bưng khay theo sau để thu thẻ lại và đem ra ngoài đếm).
Ngày
nay việc kiểm số tăng chỉ cần hỏi người chấp sự của tăng sau khi kiểm
tăng số rồi trình báo cho Tăng biết. Văn tác bạch như sau:
-
Kính bạch đại đức tăng. hôm nay ngày 14 (hay 15) nửa tháng trăng sáng
(hay tối) chúng tăng thuyết giới. Tôi đã kiểm tăng số gồm…sa di và…tỷ
khiêu.
+ Đọc kệ tán hương và kệ khai luật tạng
- Lô hương sạ nhiệt…vv…
- Nam mô khai luật tạng bồ tát ma ha tát (3 lần)
+ Thuyết giới cho sa-di
Duy na: Các vị sa di thứ đệ tiến đường.
Lúc
này vị thượng toạ chỉ giáo cho các vị sa di về ý nghĩa, mục đích xuất
gia và nhắc nhở các vị nếu có lỗi lầm thì đối trước Tam bảo thành tâm
sám hối. Sau đó đọc 10 giới của sa di và hỏi trong chúng có ai phạm tội
không. Nếu không có ai phạm thì thầy Duy na khuyến tấn và nhắc nhở chớ
có buông lung.
Các vị sa di đồng thanh nói: Y giáo phụng hành. Sau đó lần lượt lễ tạ rồi đi ra ngoài.
- Thuyết giới Tỷ khiêu:
+ Đọc kệ tán khởi
Cúi đầu lễ chư Phật
Tôn Pháp tỷ khiêu Tăng
…
Như Lai lập cấm giới
Nửa tháng thuyết một lần.
2.3. Yết ma thuyết giới
+ Tiền phương tiện:
Thượng toạ Yết ma hỏi:
- Tăng đã họp chưa?
Duy na đáp:
- Tăng đã họp.
- Hoà hợp không?
- Hoà hợp.
- Người chưa thụ giới cụ túc đã ra chưa?
- Đã ra.
- Các tỷ khiêu không đến có gửi dục và thanh tịnh không?
Nếu không thì đáp:
- Không.
Nếu có, người nhận dục bước ra, lễ Tăng và bạch:
Bạch Đại đức Tăng, con có nhận dục và thanh tịnh của tỳ-kheo… Tăng sự như pháp, tỳ kheo ấy xin gởi dục và thanh tịnh.
- Thiện
- Nhĩ.
Ngày
nay việc gởi dục chỉ thực hiện trên hình thức. Bởi lẽ người gởi dục
nhiều khi gởi qua trung gian, rồi ghi vào danh sách các tỳ kheo gởi dục
một cách quá dễ dãi. Cho nên người thuyết dục nhiều khi không biết rõ
tình hình của người gởi dục. Việc làm này có phần tuỳ tiện mà không đúng
thực chất. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để mọi tỳ kheo ý thức
tầm quan trọng của việc thuyết giới mà tham gia đầy đủ. Đó là trách nhiệm của các vị lãnh đạo Tăng già.
+ Sai người giáo thụ cho ni
Tuỳ theo Ni trực tiếp thỉnh giáo giới hay nhờ chấp sự của Tăng thỉnh hộ mà có hai cách sai người giáo thọ cho Ni chúng.
- Tỷ khiêu ni nhờ chấp sự của Tăng thỉnh hộ
Thượng toạ hỏi:
- Có ai sai Tỷ khiêu ni đến thỉnh giáo giới không?
Nếu
có thì người thọ chúc (tức tỷ khiêu chấp sự của Tăng nhận lời tỷ khiêu
ni được sai, thỉnh giáo giới hộ) bước ra lễ Tăng và bạch:
Kính bạch Đại đức Tăng, các tỷ khiêu ni ở chùa (…) thanh tịnh và hoà hợp, đỉnh lễ Tăng cầu thỉnh Giáo thụ sư. (nói ba lần)
Thượng
toạ hỏi trong Tăng có ai đảm nhận việc giáo thọ cho Ni hay không. Nếu
không có tỷ khiêu nào, Thượng toạ nói với Tỷ khiêu nhận thỉnh giáo giới
hộ:
Nay
đã thỉnh khắp trong Tăng mà không có ai đảm nhiệm việc giáo thọ cho Ni.
Nếu sau này Ni chúng sai người trở lại, thì Đại đức chuyển lời giáo thọ
vắn tắt của Tăng, rằng Tăng giáo sắc tỳ kheo ni hãy tinh cần hành đạo,
cẩn thận chớ buông lung.
Tỷ khiêu nhận thỉnh giáo giới hộ đáp:
Y giáo phụng hành.
Sau đó khi các Tỷ khiêu ni thọ sai trở lại, thì tỳ kheo nhận thỉnh giáo giới hộ chuyển lời giáo giới của Tăng đến Ni chúng như sau:
Hôm qua (hay hôm nay) tôi
đã vì Ni chúng thỉnh Giáo thụ sư, mà trong Tăng không có ai đảm nhận.
Nhưng Tăng có lời giáo giới vắn tắt cho Ni chúng rằng: Ni chúng hãy tinh
cần hành đạo, như luật mà hành trì, cẩn thận chớ buông lung.
Tỷ khiêu ni được sai đáp:
Y giáo phụng hành.
Trái
lại, nếu có Tỷ khiêu đảm nhận giáo giới Ni chúng, sau khi Tăng đã yết
ma sai người giáo thụ cho Ni, thì vị nhận thỉnh giáo giới hộ đến Tỷ
khiêu được Tăng sai bạch rằng:
Đại
đức đã từ bi chấp thuận giáo giới cho Ni chúng. Xin Đại đức ấn định
thời gian, để tôi báo lại cho Ni chúng biết hầu tiện việc đón tiếp.
Tỷ
khiêu được Tăng sai nói rõ ngày giờ, nhưng phải tránh những ngày mà bên
chùa Ni có tổ chức thọ bát quan trai hay thuyết giới … Nói chung ngày
nào thuận tiện cho cả hai bên.
- Nếu Ni trực tiếp thỉnh cho gọi vào
Các Tỷ khiêu ni được sai đỉnh lễ Tăng ba lạy, quỳ bạch:
Kính bạch Đại đức Tăng, Tỷ khiêu ni Tăng ở chùa … thanh tịnh hòa hợp. Tăng sai Tỷ khiêu ni chúng con (…) đến trước đại Tăng, đỉnh lễ Tăng cầu thỉnh một vị Giáo thụ cho Ni. Ngưỡng mong Tăng vì Ni chúng giáo giới. Từ mẫn cố. (nói ba lần)
Nếu không có Tỷ khiêu nào đảm nhận việc giáo thọ cho Ni, thì Thượng toạ nói với các Tỷ khiêu ni được sai:
Nay
lần lượt thỉnh cầu khắp trong Tăng từ trên xuống dưới, nhưng không ai
đảm nhận việc giáo thụ cho Ni. Nhưng Tăng có giáo sắc rằng, Ni chúng hãy
y luật hành trì, cẩn thận chớ buông lung.
Các Ni được sai đáp:
Y giáo phụng hành.
Nếu trong Tăng từng có tỳ kheo được sai, thì Thượng toạ trực tiếp gọi tên:
Thượng toạ … nên đi giáo thọ.
Thượng toạ … nên đi giáo thọ.
Hoặc
người được sai nhiều, thì Thượng toạ trên toà lần lượt bảo đi giáo thọ.
Nếu Ni thỉnh đích danh người nào, thì chỉ sai người ấy đi.
Văn sai người giáo thọ cho Ni:
Kính bạch Đại đức Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo … đi giáo thọ cho tỳ-kheo-ni. Xin bạch như thế.
Hỏi: Tác bạch có thành không?
Đáp: Thành. (cả chúng đều đáp)
Bạch tiếp:
Kính bạch Đại đức Tăng. Tăng sai Tỷ khiêu … đi giáo thụ cho Ni. Đại đức nào chấp thuận Tăng sai Tỷ khiêu … đi giáo thụ cho Ni thì im lặng. Ai không chấp thuận thì nói lên.
Kính bạch Đại đức Tăng. Tăng sai Tỷ khiêu … đi giáo thụ cho Ni. Đại đức nào chấp thuận Tăng sai Tỷ khiêu … đi giáo thụ cho Ni thì im lặng. Ai không chấp thuận thì nói lên.
Hỏi: Tác bạch có thành không?
Đáp: Thành. (cả chúng đều đáp)
Nói tiếp:
Tăng đã bằng lòng sai tỳ-kheo … đi giáo thọ cho Tỷ khiêu ni, vì im lặng. Việc này là như thế, xin liễu tri.
Các Tỷ khiêu ni được sai đến trước Tỷ khiêu được cử đi giáo thọ, chấp tay hỏi rằng:
Đại
đức từ bi tế độ, đã nhận đi giáo thụ cho Tỷ khiêu ni. Vậy xin ấn định
ngày giờ đến chùa Ni và chỉ bảo, để thuận tiện việc đón rước. (nói một lần)
Sau khi các Ni được sai đỉnh lễ Tăng và ra khỏi giới trường, Thượng toạ hỏi tiếp:
- Tăng nay hoà hợp để làm gì?
- Yết ma thuyết giới.
Đến đây nếu có Tỷ khiêu đang hành pháp phú tàng thì vị Duy na gọi Tỷ khiêu ấy ra đỉnh lễ Tăng, và bạch cho Tăng biết mình đang hành pháp phú tàng, rồi trở về chỗ của mình để nghe thuyết giới.
+ Đơn bạch yết ma
Thượng toạ bạch tiếp:
Kính bạch Đại đức Tăng. Hôm nay là ngày 15 (hay 14) nửa tháng trăng sáng (hay tối) bố-tát,
chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay
chấp thuận hoà hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
+ Chính thức thuyết giới.
Thưa các Đại đức, nay đang là mùa (xuân). Mùa này có sáu kỳ (hoặc tám kỳ nếu có tháng nhuận) bố-tát.
Trong nửa tháng này, một kỳ bố-tát đang đi qua, có ba kỳ bố-tát đã đi
qua và còn hai kỳ bố-tát sắp đến. Mong các Đại đức ghi nhớ như vậy. Tuổi
già và sự chết đang gần kề, Phật pháp sắp tàn diệt. Thưa các Đại đức,
vì chí cầu đắc đạo, hãy nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn. Vì sao vậy? Chư
Phật do nhứt tâm cần cầu tinh tấn mà chứng đắc Vô thượng bồ-đề, huống
nữa là các thiện pháp khác. Mỗi người trong lúc đang khoẻ mạnh, hãy nỗ
lực tu thiện, sao lại không cần cầu, đâu thể chờ đến già, ham muốn nào
có vui chi? Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, nào
có gì vui?
Thưa
các Đại đức, nay tôi sẽ nói Ba la đề mộc xoa. Các Đại đức hãy lắng
nghe, khéo ghi nhỡ kỹ. Nếu tự biết mình có phạm, hãy nên bày tỏ sám hối.
Ai không phạm thì im lặng. Do im lặng mà tôi biết được các Đại đức
thanh tịnh. Cũng như một người được ai hỏi điều gì thì phải theo sự thật
mà đáp. Cũng vậy, tỳ-kheo nào ở trong chúng hỏi ba lần, nhớ nghĩ mình
có phạm mà không phát lộ, thì tỳ-kheo ấy mắc tội cố ý vọng ngữ. Tỳ kheo
nào nhớ nghĩ mình có tội, muốn cầu sự thanh tịnh, thì cần phải bày tỏ.
Bày tỏ thì an lạc.
Thưa các Đại đức, tôi đã nói xong “Phần tựa”. Nay hỏi các Đại đức trong “Phần tựa” ấy có thanh tịnh cả không? (hỏi ba lần)
Trong “Phần tựa” ấy, các Đại đức đều thanh tịnh cả, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.
Kế
tiếp nói tất cả tám pháp, từ 4 pháp ba-la-di đến 7 pháp diệt tránh, dứt
mỗi pháp đều hỏi lại ba lần (pháp ấy) như trên. Cuối cùng nói lời kết:
Thưa
các Đại đức, tôi đã nói xong tựa Giới kinh, đã nói 4 pháp ba-la-di, đã
nói 13 pháp Tăng tàn, đã nói 2 pháp bất định, đã nói 30 pháp ni-tát-kỳ
ba-dật-đề, đã nói 90 pháp ba-dật-đề, đã nói 4 pháp hối quá, đã nói 100
pháp chúng học và đã nói 7 pháp diệt tránh. Đây là những điều Phật dạy,
được ghi chép thành Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần. Còn những
Phật pháp khác nữa, thì tất cả hãy cùng chung hoà hợp mà học.
Kế
đến đọc tiếp các bài kệ Giới kinh của bảy Đức Phật và các bài kệ tán
thán sự trì giới, cuối cùng là hồi hướng tam tự quy là kết thúc.
PHẦN 3
KẾT LUẬN
Lễ
bố tát nói theo nghĩa rộng là ngày trai giới để dọn mình, trưởng dưỡng
thiện căn tịnh trừ nghiệp chướng của hàng Phật tử. Ngày ấy cũng là ngày
mà các tăng sĩ nói riêng các Phật tử tại gia nói chung tập họp về các
trụ xứ để tựng giới điều mà mình đã thụ. Đây cũng là trách nhiệm và bổn
phận của hàng Tỷ khiêu sống đời sống xuất gia, gần với đời sống của bậc A
La Hán, tạo nhân xuất thế về sau. Nói theo nghĩa hẹp và chủ yếu đó là
ngày định kỳ thuyết giới của chư Tăng, để duy trì và bảo hộ sinh mạng
của Tăng già trong tinh thần hoà hợp và thanh tịnh. Do đó, lễ bố tát rất
quan trọng, đây là một phương pháp giáo dục của Đức Phật nhằm củng cố
việc hành trì giới luật cho các đệ tử của Ngài. nhưng ngày nay nhiều vị
Tỷ khiêu ít quan tâm đến vấn đề này. Nguyên nhân phải chăng do các vị
lãnh đạo Tăng già xem nhẹ truyền thống này mà không tổ chức sách tấn cho
các Tỷ khiêu tham gia bố tát? Hay hiện nay lễ bố tát có điều gì bất hợp
lý khiến có người không muốn tham gia? Thiết nghĩ, thuyết giới là pháp
tu tập thể, các vị Thượng toạ phải nhắc nhở khuyến khích và ngay cả phải
có biện pháp đối với các tỷ khiêu không chịu tham gia. Người hướng dẫn
phải hiểu rõ mục đích, nội dung và thực hiện đúng pháp thì mới đem lại
lợi ích thiết thực cho đại chúng, nếu không e rằng trái kinh trái luật.
Tuệ Quang soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét