Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

HT Tinh Su/ Vi dieu phap


HT. Tịnh Sự
ĐẠI TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH SỰ (MAHĀTHERO – SAṄTAKICCO)(1913 - 1984)

TIỂU SỬ ĐẠI TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH SỰ

(MAHĀTHERO – SAṄTAKICCO)

(1913 - 1984)

1. SINH RA VÀ LỚN LÊN

Hòa thượng Tịnh Sự, thế danh là Võ Văn Ðang, sinh năm Quí Sửu (1913), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, tại một vùng quê miền Nam, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ Võ Văn Tỏ, thân mẫu là cụ Trần Thị Thông.



2. XUẤT GIA HÀNH ĐẠO


Năm 7 tuổi Ngài đã học chữ Nho. Rất thông minh, Ngài được người đương thời gọi là “Thần đồng Lê Quí Ðôn”. Do túc duyên sẵn có từ nhiều đời, đến năm 12 tuổi Ngài xuất gia và thọ giới Sa Di tại chùa Bửu Hưng (Sa Ðéc). Thấy Ngài quá thông minh nên Bổn sư đặt pháp danh là Thích Huệ Lực.

Năm 20 tuổi, Ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Kim Huê, Sa Ðéc. Ðến năm 25 tuổi Ngài được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Phước Ðịnh, chợ Lách. Năm 30 tuổi Ngài trụ trì chùa Viên Giác, Vĩnh Long. Năm 35 tuổi duyên lành đối với Phật giáo Nam Tông đã chín mùi, Ngài được du học tại Chùa Tháp - Campuchia, thọ giới theo Phật giáo Nam Tông tại chùa Kùm Pung (Treyloko) ở Trà Pét.

Từ Campuchia, Ngài có thiện duyên du học tại Thái Lan, thọ giới Tỳ kheo tại chùa Pakknam Bangkok. Ngài được thầy tế độ ban pháp danh là Tịnh Sự (Saṅtakicco) vì thấy Ngài chuyên tâm hành đạo. Tại xứ Phật giáo Thái Lan này, Ngài đã thực hành hạnh đầu đà, tu thiền Minh Sát và học A Tỳ Ðàm (Abhidhamma) trong bảy năm. Rời Thái Lan về Việt Nam, Ngài trở lại trụ trì chùa Viên Giác - Vĩnh Long. Ngài bắt đầu mở mang truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Ngài dạy pháp học A Tỳ Ðàm Pāli (Abhidhamma) và pháp hành Tứ Niệm Xứ.



3. SỰ NGHIỆP TRUYỀN BÁ TẠNG ABHIDHAMMA


Muốn cho môn học Abhidhamma được truyền bá rộng rãi nên vào năm 59 tuổi Ngài về trụ trì chùa Siêu Lý - Sài Gòn. Mở trường chuyên dạy về môn Abhidhamma và dịch các bộ sách giáo khoa Phật học như Vi Diệu Pháp tiểu học, trung học, cao học và chánh tạng Abhidhamma.

Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ học trò Vi Diệu Pháp. Các thế hệ đệ tử này đã kế thừa sự nghiệp của Ngài truyền bá môn Abhidhamma khắp nơi. Những thế hệ đệ tử Vi Diệu Pháp đầu tiên hiện nay còn những vị tiêu biểu như TT. Giác Chánh, TT. Pháp Chất, Đại đức Giác Tuệ (Đức Tài), cư sĩ Vĩnh Phúc, cư sĩ Trần Quỳnh Hương đã có công đức duy trì và phát triển môn học Abhidhamma.

Về phương diện đào tạo Tăng tài, Ngài đã từng làm thầy Tế độ truyền giới xuất gia cho hàng trăm Sa di, Tỳ kheo. Họ đã tiếp nối được sự nghiệp truyền bá giáo pháp của Ngài một cách tốt đẹp.

Không những chỉ đào tạo Tăng tài mà Ngài còn xây dựng rất nhiều cơ sở tự viện: Chùa Viên Giác (Vĩnh Long), chùa Long Linh, chùa Giác Phước, chùa Pháp Ðộ, chùa Trúc Lâm, chùa Siêu Lý v.v… .



4. NHỮNG TÁC PHẨM DỊCH THUẬT

Ðiểm nổi bật nhất trong sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng là Ngài đã dịch hoàn thành Tạng Vô Tỷ Pháp - Abhidhamma (Diệu Pháp, Thắng Pháp, A Tỳ Ðàm, Vi Diệu Pháp) gồm:

1) Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani).
2) Bộ Phân Tích (Vibhaṅga).
3) Bộ Nguyên Chất Ngữ (Dhātukathā).
4) Bộ Nhân Chế Ðịnh (Puggalapaññatti).
5) Bộ Ngữ Tông (Kathāvatthu).
6) Bộ Song Ðối (Yamaka).
7) Bộ Vị Trí (Paṭṭhāna).

Ðó là phần chánh tạng Abhidhamma. Sau đây là những dịch phẩm giáo khoa Adhidhamma được giảng dạy tại các trường Phật Học Thái Lan:

1) Vi Diệu Pháp sơ cấp.
2) Vi Diệu Pháp trung cấp.
3) Vi Diệu Pháp cao cấp.
4) Diệu Pháp Lý Hợp.

Sự nghiệp đạo pháp của Ngài vô cùng to lớn. Nhất là Ngài đã dành hết đời mình để phiên dịch trọn Tạng Vi Diệu pháp (Luận Tạng Pālī). Qua công hạnh này, Ngài là một ngôi sao mà càng nhìn chúng ta càng thấy sáng hơn.



5. VIÊN TỊCH

Ðêm mùng 6 tháng 5 năm Giáp Tý, Ngài thọ bệnh. Nửa đêm hôm ấy, Ngài cho gọi chư Tăng để ban di huấn và gởi lời sám hối đến Tăng chúng gần xa. Rồi Ngài an trú chánh niệm và viên tịch lúc 6 giờ 15' sáng ngày 7 tháng 5 năm Giáp Tý (tức 05-06-1984), hưởng thọ 72 tuổi, hành đạo 52 năm.

Trước khi viên tịch, Ngài đã giảng về sự khổ, rồi mỉm cười tắt hơi thở cuối cùng. Ngài ra đi nhưng sự nghiệp đạo pháp của Ngài vẫn còn ở lại với hậu tấn ngưỡng cầu giải thoát khổ đau, để hằng an vui tự tại nơi Niết Bàn tịch tịnh. Để tỏ lòng biết ơn bậc ân sư khả kính, Tăng Ni và Phật tử xây tháp tưởng niệm tôn thờ Hòa thượng tại chùa Viên Giác. Hằng năm, Tổ đình Viên Giác, Chùa Siêu Lý - Vĩnh Long, Chùa Siêu Lý - Sài Gòn, Chùa Bửu Đức tổ chức lễ tưởng niệm ân đức cao dày của Hòa thượng Tịnh Sự.
--
http://www.phatgiaonguyenthuy.com/author-54/HT-Tinh-Su.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét